KTS Nguyễn Hoàng Mạnh: “Làm như chơi, chơi như làm”

Với triết lý thiết kế chú trọng đến hơi thở nhiệt đới đương đại, thân thiện với môi trường sống con người, giá trị thực tiễn cao – Kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Hoàng Mạnh & MIA Design Studio đang đưa tên tuổi của Kiến trúc Việt Nam vươn tầm quốc tế. Kiến Việt (KV) xin giới thiệu tới quý độc giả bài phỏng vấn KTS Nguyễn Hoàng Mạnh – đồng sáng lập, CEO và Kiến trúc sư chủ trì của công ty MIA Design Studio.

KV: Chào anh, anh có thể giới thiệu ngắn gọn về bản thân và công việc hiện tại của mình đến với độc giả của Kiến Việt?

Xin chào độc giả của Kienviet.net, Tôi là Nguyễn Hoàng Mạnh, đồng sáng lập, CEO và Kiến trúc sư chủ trì của công ty MIA Design Studio. Sinh ra tại Kỳ Lừa Lạng Sơn năm 1970 tuy nhiên thời niên thiếu cho đến khi học đại học tôi đã trải qua một tuổi thơ đẹp tại làng chài Thanh Hải thành phố Phan Thiết Bình Thuận.

Tốt nghiệp trường Đại học Kiến Trúc tp HCM khoa Kiến Trúc công trình dân dụng năm 1997.

Tốt nghiệp thạc sĩ Kiến Trúc tại đại học Katholieke Universiteit Leuven, vương quốc Bỉ năm 2001

Thành viên sáng lập và KTS chủ trì tại công ty TNHH MIA Design Studio từ 2003 đến nay.

“Tôi muốn sống và làm việc gắn liền với sự đam mê nghề nghiệp của mình, làm như chơi và chơi như làm, quyết tâm theo đuổi nghề trong sự cố gắng vươn lên không ngừng để xây dựng MIA Design Studio lớn mạnh đóng góp vào sự phát triển của nền Kiến Trúc Việt Nam trong thời khắc hội nhập”.

KV: Thời khắc nào trong ngày mang niềm hạnh phúc tới anh ?

Mỗi dự án thiết kế tôi luôn suy nghĩ nhiều làm sao để định được hướng đi về ý tưởng, phương pháp luận chặt chẽ trước khi bắt đầu vẽ, tôi thường bắt đầu với việc làm sao để có được định hướng tốt nhất cho thiết kế. Mỗi công trình mỗi vẻ, một cách tiếp cận về thiết kế khác nhau. Nên khi đã tìm được câu trả lời cho phần này đây là lúc tôi thật hạnh phúc.

KV: Anh muốn trở thành Kiến trúc sư từ khi nào ?

Ở một làng chài hẻo lánh, nơi mà lúc đó người dân chỉ biết cho con cái biết đọc biết viết để rồi cho con đi biển ngoài ra không biết gì khác, tôi không hiểu vì sao ý tưởng hình thành về nghề Kiến trúc của mình đã bắt đầu từ lớp 6 mặc dù thông tin còn rất mơ hồ, không thể định nghĩa được Kiến trúc là gì ngoài suy nghĩ đơn giản là Kiến trúc là có vẽ, và cũng không có ai hướng dẫn hoặc định hướng. Và ngày tháng nó đã lớn dần trong tôi ước mơ để trở thành KTS

KV: Hiện tại anh vẫn còn vẽ chứ ?

Tất nhiên, tôi luôn mong muốn bản thân mình là KTS chứ không phải là ông chủ doanh nghiệp hay là giám đốc công ty. Hiện nay ngoài việc điều hành công ty ra, thời gian chính của mình là phụ trách trực tiếp bộ phận thiết kế ý tưởng của bộ môn Kiến Trúc công ty, cùng bàn bạc với anh em các nhóm của công ty để cùng nhau tạo ra những ý tưởng mới, định hướng mới cho mỗi dự án mà công ty nhận được.

KV: Anh thường nghe thể loại nhạc nào ?

Jazz hiện đại trong Piano, đối với tôi nó thể hiện sự tinh tế, luôn biến hóa về cách chơi với không theo một công thức nào đua ra trước và càng nghe càng thấy hay, mỗi lúc nghe tôi luôn tìm cho mình một cảm hứng khác nhau tùy theo cảm xúc trong những không gian và thời gian, nó có thể đưa bạn mở ra những thăng hoa khác mà bạn có thể đang đi tìm.

KV: Cảm thụ một tác phẩm âm nhạc có như cảm nhận một công trình kiến trúc ?

Âm nhạc và Kiến trúc là 2 loại hình nghệ thuật và khoa học rất gần nhau, với một chút kiến thức ít ỏi của tôi về âm nhạc đã cảm thấy rõ về điều này. Âm nhạc có đầy đủ thủ pháp, ngôn ngữ, nhấn nhả, sắc thái, cảm xúc và ngay cả sự chính xác về thuật toán như Kiến trúc cần.

Toàn cảnh Naman Spa - Ảnh(c)Hirouyki OkiToàn cảnh Naman Spa thiết kế bởi MIA Design Studio – Ảnh(c)Hirouyki Oki

KV: Mỗi dự án anh thực hiện đều là kết quả của một quá trình nghiên cứu sâu sắc về nhu cầu, văn hóa và lợi ích kinh tế, anh có nghĩ rằng các KTS trẻ ngày nay dường như hơi vội vã trong con đường định nghĩa khái niệm Kiến trúc ?

Mỗi cách tiếp cận, đặt vấn đề, định hướng qua các thời kỳ khác nhau thì chắc chắn sẽ cho kết quả khác nhau. Trong một công việc của KTS công tác chuẩn bị cho một tác phẩm để thiết kế là biết càng nhiều càng “ít” trước khi vẽ bất cứ điều gì. Thắc mắc về định hướng đến khi giải tỏa được phần lớn những gì là yếu tố đầu vào cho thiết kế là lúc đó công việc mới bắt đầu. KTS không cần là người phải vẽ đẹp nhưng quan trọng là KTS vẽ cái gì và như thế nào! Theo tôi, nếu thiếu hẳn điều trên thì khó có thể trở thành một KTS thực thụ để có thể tiến xa hơn trong việc làm nghề của mình. Tất nhiên yếu tố trải nghiệm rất là quan trọng, nhưng vấn đề của Kiến trúc không phải là vấn đề của trẻ hay già, mà là vấn đề cách tư duy nội tại bản thân của KTS nghĩ gì từ những điều cơ bản nhất khi làm nghề. Tôi thấy có nhiều những bạn trẻ cũng rất đam mê cháy bỏng và rất chịu khó không ngồi phía sau máy tính để đi tìm bản ngã của mình cho nghề. Và bên cạnh đó cũng có rất nhiều những người “già” cũng không thấy và không lắm quan tâm để định hướng đi đúng cho mình thì thời gian và tuổi tác cũng không thể lấn át được để trở thành một KTS làm nghề thực thụ.

KV: Thế nào là Chủ đầu tư thông minh?

Một chủ đầu tư thông minh là một chủ đầu tư biết chọn cho mình một KTS phù hợp và có năng lực chứ không phải nói với KTS phải làm gì cho mình.

KV: Sự thỏa hiệp trong Kiến trúc liệu có mang lại giá trị cho Kiến trúc sư ?

Cho đến khi còn làm nghề Kiến trúc thì sự thỏa hiệp còn tồn tại, tất nhiên nó là 2 mặt của vấn đề và phạm trù thỏa hiệp này cũng rất rộng và KTS hiểu về mục đích của sự thỏa hiệp này như thế nào để đi đến kết quả gì, có những sự thỏa hiệp chỉ vì cho sướng cái tôi của mình hay là một giá trị cụ thể khác cho mọi người xung quanh.  Thứ nhất là sự thỏa hiệp trong nội tại của chính KTS khi nhìn nhận về Kiến trúc như thế nào, khi mắt và sự cảm nhận của KTS làm việc nhiều trước khi thiết kế thì bản thân người KTS đã thỏa hiệp với chính cái tâm của mình theo một hướng đi tích cực. Nếu vậy chắc hẳn công việc thỏa hiệp này hoàn toàn có lợi cho KTS và kết quả là Kiến trúc sẽ được thăng hoa hơn. Thứ hai đó là sự thỏa hiệp khách quan bên ngoài, nôm na tạm gọi là chuyện “tình” của cá và nước như là mối quan hệ giữa chủ đầu tư và KTS. Khi gặp chủ đầu tư, tôi luôn tìm hiểu và trao đổi thật kỹ với họ về công việc mà mình sẽ làm, từ ý định đầu tư, nhiệm vụ thiết kế chi tiết, cách bắt đầu vận hành của dự án, cho cả việc ai là người thi công. Một điều rất quan trọng tôi cần hiểu được là giá trị đầu tư mà họ có ý định như thế nào. Thông qua những thông tin trên tôi sẽ hiểu được một phần nào đó về việc mình sẽ phải thỏa hiệp như thế nào và những điều đó là gì. Sự hòa nhập đồng điệu giữa “cá và nước” sẽ mang lại một kết quả tốt đẹp cuối cùng cho một tác phẩm kiến trúc, mặc dù tác phẩm đó dù to hay nhỏ, dù đầu tư nhiều hay ít tiền. Khi cá đã gặp được nước, thì sự thỏa hiệp này sẽ ít xảy ra và KTS sẽ thỏa sức “bơi lội” để mơ về một tác phẩm tốt của mình sắp ra đời.

“Tôi cho rằng KTS rất khó có thể nói là thần đồng được, có thể sự thành công sẽ đến với mỗi người ở những khía cạnh và thời điểm khác nhau, nhưng nếu không qua một quá trình trải nghiệm thì khó có thể nói là có thể làm được nghề Kiến trúc”.

KV: Anh nghĩ sao về câu nói “Một Kiến trúc sư có trách nhiệm là người chú trọng đến giá trị sử dụng của công trình sau thiết kế” ?

12241362_10207013448927457_4316072011667349170_n“Cá gặp nước ! “

Người KTS cần sự cân nhắc, tiên lượng trước kịch bản sử dụng của một công trình trước khi bắt đầu thiết kế ý tưởng. Sơ khởi nhất của việc bắt đầu thiết kế là công năng sử dụng của công trình này sẽ là gì, mà mình bắt đầu suy nghĩ nghiên cứu để ý tưởng sẽ được hình thành từ đó. Vậy giá trị công năng chính là giá trị vĩnh cửu nhất mà công trình này có thể tồn tại và “sống” theo thời gian. Công năng ở đây không nên hiểu theo chỉ đơn thuần là dây chuyền sử dụng tốt cho mỗi không gian, mà trong đó còn hàm ý của thói quen, cá tính, khí hậu, văn hóa bản địa vv…

Do đó nếu KTS đã có thể làm “bác sĩ” cho CĐT trong vai trò của mình được tốt ngay từ đầu đúng với cái mà người CĐT cần, thì hiển nhiên công trình sẽ được đưa vào sử dụng tốt với “Vai” của nó mang. Không loại trừ có những công trình bởi 1001 lý do khác nhau mà nó không mang đúng “Tên” của mình sau khi KTS đã sinh ra nó, do thay đổi công năng cho phù hợp với nhu cầu mới, khủng hoảng kinh tế vv… điều này thì ngoài tầm kiểm soát của KTS.

KV: Anh có chia sẻ rằng, con đường giúp anh đến với Kiến trúc đó là sự Trải nghiệm, đâu là Trải nghiệm anh thấy có ý nghĩa nhất ?

Tôi cho rằng KTS rất khó có thể nói là thần đồng được, có thể sự thành công sẽ đến với mỗi người ở những khía cạnh và thời điểm khác nhau, nhưng nếu không qua một quá trình trải nghiệm thì khó có thể nói là có thể làm được nghề Kiến trúc. Qua mỗi công trình được xây dựng của MIA Design Studio nó giúp ích rất nhiều cho tôi về thấy nó lớn lên mỗi ngày như thế nào hoàn thiện các chi tiết ra sao…, lúc nào tôi cũng nói hai chữ giá như mình nhìn thấy trước cái này cái kia trong thiết kế thì… cụm từ ‘cố lên để tốt hơn lần sau’ thành câu cửa miệng của anh em chúng tôi, và tôi đã và đang làm như thế. Một vấn đề cũng rất quan trọng mà tôi vẫn thường xuyên làm là phải trải nghiệm liên tục các công trình mà mình thích với ‘gu’ thiết kế có những giá trị mà tôi học hỏi. Đi xem liên tục, có những công trình đi tham quan đến rất nhiều lần, và có những công trình thích quá tôi cần sống trong nó để cảm được nhiều và sâu hơn. Và qua đó sự liên tưởng đến triết lý thiết kế mà mình sẽ áp dụng cho hoàn cảnh của Việt Nam đã có phần nào được qua kiểm chứng thực tế.

KV: Giá trị mà MIA Design Studio muốn hướng tới là gì?

“Xây dựng bản sắc riêng cho Kiến Trúc Việt Nam ở thế kỷ 21 trong thời hội nhập với thế giới” đó là tiêu chí mà tôi nghĩ trong góc độ mình là một công dân Việt Nam, tự nhận thấy trách nhiệm của mình là một KTS đối với xã hội qua việc mình làm nghề mỗi ngày. Ngoài việc công năng không gian sống của một công trình phải được đặt lên hàng đầu, thiết kế của công trình cần mang bản sắc địa phương từ các yếu tố ánh sáng, thông thoáng mặt nước và cây xanh rất được chú trọng. Bên cạnh đó ở đâu là sự khác biệt về sự nhận biết của yếu tố bản địa rõ nhất. Điều này thật cần thiết cho sự phát triển cho nền Kiến trúc Việt Nam được tiếp tục đúng với cái mà nó cần phải có mà bao thế hệ đi trước đã làm.

KV: Đâu là yếu tố cốt lõi để MIA Design Studio tạo nên những thành công ?

Cho đến nay MIA Design Studio chưa thành công!. Chúng tôi nhìn nhận mình mới bắt đầu có cơ hội để làm những điều mình thích, công việc thực thụ sau 12 năm thành lập công ty mới chỉ là bắt đầu. Quãng đường phía trước còn rất dài và đầy thử thách để làm được một điều gì tốt nhưng tất nhiên rất thú vị. Tôi luôn nghĩ đến những tác phẩm mà MIA Design Studio tạo ra điều trước tiên quan trọng nhất là công trình đó phải được sử dụng vận hành thành công đúng với tên của nó. Sự thành công lớn nhất của MIA Design Studio là chủ đầu tư hài lòng, mang lại giá trị công năng cho người sử dụng công trình hiệu quả nhất.

KTS Nguyễn Hoàng Mạnh - đồng sáng lập, CEO và Kiến trúc sư chủ trì của công ty MIA Design Studio.KTS Nguyễn Hoàng Mạnh – đồng sáng lập, CEO và Kiến trúc sư chủ trì của công ty MIA Design Studio.

Vài nét về tiểu sử của KTS Nguyễn Hoàng Mạnh

Năm sinh: 1970 tại Kỳ Lừa – Lạng Sơn Thời niên thiếu cho đến khi học đại học KTS Nguyễn Hoàng Mạnh đã trải qua một tuổi thơ đẹp tại làng chài Thanh Hải thành phố Phan Thiết Bình Thuận. 1997: Tốt nghiệp trường ĐH Kiến Trúc TP.HCM 2001: Tốt nghiệp bằng thạc sỹ kiến trúc tại trường Katholieke Universiteit Leuven, Vương quốc Bỉ. 2003 đến nay: Đồng sáng lập, CEO và Kiến trúc sư chủ trì của công ty MIA Design Studio

Tiêu chí thiết kế: “Xây dựng bản sắc riêng cho Kiến Trúc Việt Nam của thế kỷ 21 trong thời hội nhập với thế giới” Ngoài việc công năng không gian sống của một công trình phải được đặt lên hàng đầu, thiết kế của công trình cần mang bản sắc địa phương từ các yếu tố ánh sáng, thông thoáng mặt nước và cây xanh rất được chú trọng. Bên cạnh đó ở đâu là sự khác biệt về sự nhận biết của yếu tố bản địa rõ nhất. Điều này thật cần thiết cho sự phát triển cho nền Kiến trúc Việt Nam được tiếp tục đúng với cái mà nó cần phải có mà bao đời thế hệ đi trước đã làm.

Điểm nhấn năm 2015:

Cùng với các thành viên trong đội ngũ thiết kế của MIA Design Studio, KTS. Nguyễn Hoàng Mạnh đã đạt được 8 giải thưởng kiến trúc trong nước và quốc tế năm 2015. Bên cạnh đó, MIA Design Studio dưới sự dẫn dắt của KTS Nguyễn Hoàng Mạnh đã có nhiều công trình có giá trị thực tiễn cao được đưa vào sử dụng trong năm 2015. Hầu hết các công trình đều có chung về triết lý thiết kế là chú trọng nhiều đến không gian kiến trúc nhiệt đới đương đại, thân thiện với môi trường sống cho con người. Đây có thể là sự đột phá bước đầu cho MIA Design Studio nói riêng, đóng góp vào cái chung cho nền Kiến trúc Việt Nam đang trên đà phát triển.

Giải thưởng / thành tích nổi bật:

2005: Top 10 Architects BCI Asia / Nhà ga tàu cánh ngầm Vũng Tàu

2006: Top 10 Architects BCI Asia / Tiger Den BVL Vietnam

2014: Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia – Trung tâm thương mại và Dịch vụ Kim Cúc Plaza – Big C Quy Nhơn (Giải thưởng Hội đồng) – Khu Dân cư và Dịch vụ phía Bắc hồ sinh thái Đống Đa (Giải thưởng Hội đồng)

2015:

Giải thưởng Kiến trúc quốc tế 2A tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ – Naman Retreat Pure Spa (Giải khuyến khích) – Khu Dân cư và Dịch vụ phía Bắc hồ sinh thái Đống Đa (được chọn vào Chung kết)

Giải thưởng Kiến trúc Quốc tế Baku tại Thủ đô Baku, Azerbaijan – Naman Retreat Pure Spa (Giải Nhì)

Giải thưởng Kiến trúc Architecture Rerview tại London, UK – Naman Retreat Pure Spa (giải khuyến khích)

Giải thưởng Kiến trúc Sao Biển khu vực miền Trung- Tây Nguyên – Khu Dân cư và Dịch vụ phía Bắc hồ sinh thái Đống Đa (Giải Ba)

Giải thưởng Vietnam Property Awards – Căn hộ Citihome : căn hộ tầm trung tốt nhất – Naman Residences: Villa A nội thất tốt nhất – Lucasta Residences: Top 5 nội thất tốt nhất

[Quay lại]



Các tin liên quan

Lung linh sắc đèn

Cảnh quan tuyệt đẹp cùng nội thất tinh tế của ngôi nhà Villa Huizen

Cầu thang đẹp nhưng không phải ai cũng dám đi

Nhà ống 32m2 gọn gàng thanh lịch trong ngõ Sài Gòn

Mái nhà ký ức

9 lưu ý nhà bếp để ấm no quanh năm

Căn hộ ở Sài Gòn do chủ nhà tự thiết kế

Biệt thự đắt nhất thế giới được dát 15.000 lá vàng

Tài chính eo hẹp nên thiết kế nội thất như thế nào

11 cách giúp nhà bạn mát như khách sạn mà không cần điều hòa

TRẦN SAO NHÂN TẠO

Khám phá vẻ đẹp nhà chung cư qua góc nhìn nhiếp ảnh

Những lưu ý về phong thủy khi lựa chọn và sắp đặt bàn ăn

Các căn phòng khiến trẻ thích mê

Những lối sơn nhà kiểu mới theo phong cách hiện đại

THIẾT KẾ NHÀ HÀNG OMG – NHỮNG TRẢI NGHIỆM ĐỘC ĐÁO

Những ý tưởng thiết kế phòng tắm phong cách nhiệt đới

“Chuông Gió”: Nốt lặng giữa Sài thành

Phòng ngủ nhỏ xíu vẫn có thể đẹp

Phòng ăn đáng yêu với bàn ghế bằng tre