Căn bếp theo xu hướng của lối kiến trúc cổ xưa, ngắn gọn mang tính truyền thống Việt Nam. Bếp với nền đá mài đơn giản, tập trung điểm nhấn vào nội thất gỗ, đồng thời vẫn đầy đủ các thiết bị hiện đại nhằm tạo cho người dùng không gian thoải mái nhất.
Ngoài ra, bức tường đá hoa văn cổ điển phối hợp ngẫu nhiên cũng là một điểm phá cách trong cách thiết kế căn bếp, mặc dù vẫn sử dụng vật liệu cổ truyền, tạo ra một căn bếp quen thuộc nhưng vẫn tiện nghi.
Bếp còn có sự kết hợp với hệ thống mái gỗ của phòng ăn bên ngoài tạo cảm giác thân thuộc, cũ mà mới trong thiết kế kiến trúc. Hệ màn tre che nắng ngoài hiên ăn vừa giúp che nắng, che mưa, nhưng vẫn đảm bảo được sự thoáng mát, vừa khiến chúng ta thêm gần gũi với cuộc sống làng quê giữa chốn đô thị ồn ào.
Mục đích chính của kiến trúc sư là mong muốn căn nhà luôn gần gũi với thiên nhiên cây cối. Xung quanh khu vực làm bếp, khu vực ăn đều là sân vườn nhưng vẫn đảm bảo an ninh và che nắng. Hệ sàn đá mài đơn giản, không thấm nước khiến gia chủ luôn có cảm giác mát mẻ khi bước chân lên. Bếp gợi lại những ký ức xưa cũ về làng quê nhưng vẫn không khiến nó lạc lõng giữa kiến trúc hiện đại của công trình. Các vật dụng bếp đơn giản, chủ yếu làm bằng gỗ thân thuộc với người dân Việt Nam.
Nhớ làm sao, tiếng võng giữa trưa hè
Tiếng kẽo kẹt, ôi nghe mà thương lắm
Lời ru mãi, ngàn đời sau vẫn ấm
Mái tranh nghèo, sâu đậm… nghĩa tình xưa
Gió thổi về, theo giọt nắng đong đưa
Mây lướt nhẹ, từng cơn mưa… vội vã
Cau lại thắm, vườn trầu thêm xanh lá
Đã đến mùa, ra cấy mạ… đi thôi
(Trích thơ “Nhớ lắm quê hương” của Huyền Thư)