KTNĐ – Nhà tổ mối được xây dựng ở thành phố Đà Nẵng, nơi có sự chênh lệch nhiệt độ khá lớn giữa mùa nóng và mùa mưa, cũng như chịu nhiều ảnh hưởng của các cơn bão miền nhiệt đới.
Đà Nẵng còn được biết đến với các quần thể tháp Chăm bằng gạch nung (thuộc vương quốc cổ Chăm Pa) được xây dựng từ thế kỷ IV đến cuối thế kỷ XV, trong đó nổi tiếng nhất là Thánh địa Mỹ Sơn.
Lấy cảm hứng từ khả năng làm tổ đặc biệt của loài mối thường bắt gặp ở địa phương, ngôi nhà được thiết kế với một không gian chung lớn nằm ở vị trí trung tâm – nơi bao gồm bếp, bàn ăn và một góc thư giãn. Từ đây, các khu vực chức năng khác như vệ sinh, kho, phòng khách, phòng ngủ được chuyển tiếp nhẹ nhàng và lan tỏa ra xung quanh.
Tầng lửng dành cho phòng ngủ thứ hai, phòng thờ, thư viện nhỏ; còn phần mái là một góc thư giãn ngoài trời cùng với thảm dây leo. Chiếc tổ dành cho ba người không cần nhiều vách ngăn ngoài sự riêng tư cần thiết cho phòng thờ, phòng ngủ.
Ở các không gian chung, người nhà vẫn có thể nhìn thấy nhau hoặc trò chuyện cùng nhau qua những khoảng trống của mảng tường xếp lỗ. Gạch nung – loại vật liệu truyền thống và là chất liệu làm nên của các quần thể tháp Chăm huyền bí, được dùng làm vật liệu chính của công trình.
Các tấm sàn được đúc bằng bê tông cốt thép để trần không tô, còn nền nhà được che phủ bằng đá mài màu tối. Phần lớn đồ nội thất được đóng bằng gỗ tái sử dụng từ mái của ngôi nhà cũ.
Điều này làm cho tổng chi phí xây dựng thực tế của công trình được tiết kiệm đáng kể (xấp xỉ 550 triệu đồng).
Cách thiết kế nhà hai lớp áo (double skins) với tường gạch nung bao phủ bên ngoài và khung nhôm kính bên trong tạo ra khoảng trống như một lớp đệm ở hai đầu nhà. Điều này đồng thời cũng tạo ra sự chênh lệch áp suất lớn, giúp ổn định nhiệt độ cho không gian bên trong, kể cả khi thời tiết bên ngoài khắc nghiệt.
Cùng với việc sắp xếp các khu phụ như nhà vệ sinh, nhà kho nằm dọc chiều dài nhà, hai lớp tường có tác dụng ngăn những luồng gió mạnh vào mùa bão, bằng việc đẩy gió qua các khoảng trống rồi đi thẳng lên mái.
Bên trên mái, kiến trúc sư sử dụng hệ thống dầm, sàn đảo ngược cho phép trồng dây leo cùng với một góc thư giãn để cả gia đình có thể hóng gió vào những ngày hè oi bức.
Với tường gạch xếp lỗ và các khoảng thông tầng thênh thang, gió và ánh sáng vẫn có thể dạo chơi ở mọi ngóc ngách của ngôi nhà, kể cả những khu vực khó thăm viếng nhất. Chủ nhà còn được ngắm bầu trời xanh hay ánh trăng đêm từ phòng khách, bàn ăn hoặc khi đang làm bếp.
Ở mỗi thời điểm trong ngày, tùy vào cường độ ánh sáng phản chiếu qua các lỗ thông tầng, tường gạch trần sẽ chuyển màu từ đỏ tươi vào buổi sáng, buổi trưa và chuyển dần sang màu tím vào chiều tối. Về đêm, ngôi nhà trông như một chiếc đèn lồng khổng lồ với những đốm sáng nhỏ hắt ra từ các lỗ trống.
Hai bức tường gạch nung bao phủ chiều dài công trình được điểm thêm những viên gạch nhô ra có chủ đích tạo bóng đổ. Điều này làm tăng vẻ đẹp vốn có của gạch mộc cả về hình dáng lẫn màu sắc.
Bên ngoài, sân vườn được trải sỏi và sắp đặt lại một số bụi cây đã có từ ngôi nhà cũ nhằm giữ lại nét quen thuộc cho người sử dụng. Không chỉ có ấn tượng về mặt hình ảnh của ngôi nhà – vốn được thực hiện như cách thể nghiệm mới và tạo sự khác biệt.
Việc ưu tiên tối đa cho thông gió, chiếu sáng, điều hòa nhiệt độ tự nhiên và sự “giao tiếp” giữa các thành viên trong gia đình, nhà tổ mối đã phát huy được vai trò của một kiến trúc miền nhiệt đới.