KTS Hoàng Thúc Hào - "Hiệp sĩ xanh"

Mắt một mí, mặt lạnh, thoạt trông Hào không phải tuýp người cởi mở. Nhưng anh không bao giờ “nín lặng” khi đụng đến kiến trúc, nghiệp của anh, hay chính xác hơn, một đam mê, sứ mệnh.

Tôi trọng Hào ở tình yêu Hà Nội, anh đau đáu, quyết liệt bằng chuyên môn của mình cho Thủ đô: cứu chữa, cải tạo, thiết kế. Năm 1994 là Quy hoạch làng gốm Bát Tràng (Giải của Viện Hàn lâm Kiến trúc quốc tế); sau đó là giải của Hội Kiến trúc sư quốc tế (UIA) năm 1996 cho Quy hoạch cải tạo nhà tù Hỏa Lò thành quảng trường Khoan Dung; giải Nhì (không có Nhất) của Ủy ban Nhân dân Hà Nội và Hội KTS Việt Nam cho Quy hoạch Hồ Gươm và vùng phụ cận năm 2008. Hiếm ai mạnh dạn như Hào, dám đề nghị giải tỏa một số cơ quan công quyền phản cảm, có nguy cơ bóp nghẹt hồ thiêng. Hồ Gươm ngày một bé lại, nỗi trăn trở của tác giả ngày một lớn, khi quy hoạch của anh không được thực thi.

Trong khi nhiều KTS nặng về thi ý tưởng trên giấy thì Hoàng Thúc Hào có thể tự hào về những công trình của mình, chúng đang hiện hữu bằng ứng dụng thực tế. Ở các lĩnh vực, rõ nhất là điện ảnh, không ít đạo diễn làm phim nhằm mục đích tranh giải hơn là say sưa sáng tạo. Còn kiến trúc, công việc của kỹ thuật và nghệ thuật đan hòa, Hào quan tâm đến lợi ích cộng đồng, tính thiết thực và bền vững của chúng. Một ngữ pháp kiến trúc sinh thái riêng, thân thiện môi trường, dùng năng lượng tái tạo, thông gió và chiếu sáng tự nhiên là chủ đích sáng tạo của Hào. Câu lạc bộ A+G (Architecture+Green, www.agvietnam.org) mà Hào là một trong tám thành viên sáng lập hồi đầu năm 2011, hoạt động hiệu quả, nay đã thành đội hình 25 KTS sung sức. A+G như sân ga hội tụ, khởi hành, họ tặng ý tưởng hay cho nhau, mỗi cá nhân làm giàu mình lên và cùng hợp lực vì khát vọng chung: vì cộng đồng, sẵn sàng góp sức vô tư, tận tụy cho sự nghiệp chung mà không cần được giao “hợp đồng”.

Trong lúc việc “xóa sổ” đoạn La thành ở vùng Bưởi đang hoàn tất để bê-tông hóa, thì trước đó, Hào nén buồn, làm công trình Nhà cộng đồng Tả Phìn (Sapa) suốt năm 2012. Hết Suối Rè đến Tả Phìn, hai nhà cộng đồng mọc lên trên mảnh đất mà Hào, bạn bè và những người hảo tâm bỏ tiền túi ra mua, đã được thế giới biết đến. Website uy tín của Mỹ về kiến trúc archdaily.com bình chọn Nhà cộng đồng Tả Phìn vào top 5 công trình kiến trúc xã hội đáng chú ý nhất. Nhưng Hào sống và thở chủ yếu ở Hà Nội - thành phố của cây và hồ, nên những “vết sẹo” tăng dần đến mức “vô phương cứu chữa” ở đây khiến anh đau đớn. Quy hoạch đường Bưởi thành dải đường của cây, hoa, thác nước, thi công nhanh, tiết kiệm của anh không được triển khai, giải nhất cuộc thi Vì Thủ đô Hà Nội hôm nay và ngày mai do Hội KTS Việt Nam phát động, giải Bùi Xuân Phái - vì tình yêu Hà Nội, là khắc vết đau mỗi lần qua đường Bưởi.

Hào quảng giao, đi nhiều, đã đến hơn 30 nước trên thế giới, để học và nạp vào nhãn quan các kiến trúc tiêu biểu của nhân loại. Đã sống ở Turin hai năm rưỡi khi làm luận án thạc sĩ, nước Ý đọng trong kí ức Hào xúc cảm lớn về sự nguyên bản của kiến trúc cổ điển, xúc cảm ấy dẫn mạch vào thực trạng Thăng Long, thành phố hơn nghìn năm tuổi mà những gì cổ kính ít ỏi có nguy cơ biến mất từng ngày.

Là con trai của họa sĩ Hoàng Hùng Dũng (nguyên Trưởng Khoa Nội thất Đại học Mỹ thuật công nghiệp), Hào tiếp nối nghề giáo của cha còn do ưu tư: truyền lửa. Hết tháng sáu, trường Đại học Xây dựng nghỉ hè, thầy giáo Hào của Khoa Kiến trúc thì không, anh vẫn luôn gần gũi, giúp đỡ, khích lệ học trò.

 

Bằng chứng nhận giải GGD 2013 gửi qua bưu điện đến tay chủ nhân hôm 6/6, thì ngày 8/6, anh vào Hội An dự khánh thành Sân chơi trẻ em Thôn 1, xã Cẩm Thanh. Đồng tác giả thiết kế sân chơi cũng là học trò của anh, KTS Phạm Đức Trung. Hai thầy trò còn thiết kế Sân chơi trẻ em An Mỹ phường Cẩm Châu (đã xây xong hồi đầu năm nay), và Nhà văn hóa cộng đồng xã Cẩm Thanh (sắp khởi công), theo lời mời của nhà văn Nguyên Ngọc, Bí thư Hội An Nguyễn Sự - những người con ưu tú của Quảng Nam - và chị Đặng Hương Giang, Giám đốc Trung tâm Hành động vì sự phát triển Đô thị, người luôn đồng hành chia lửa trong sứ mệnh kiến tạo không gian nhân văn cho cộng đồng.

Thân thiết với nhà văn Nguyên Ngọc, cố nhà thơ Lê Đạt và một số tài danh văn chương, có thể vì thế mà Hào viết tốt, hay bởi chính anh, con người ham đọc và có tinh thần phong phú. Tôi bất ngờ khi đọc những dòng anh viết tại thành cổ Quảng Trị, khi anh cùng A+G thăm nơi này. Nhớ đến cậu ruột mình, liệt sĩ Nguyễn Văn Báu hy sinh ở cửa ngõ Sài Gòn ngay trước ngày giải phóng, anh nhận ra, còn vô số “cuộc chiến” giữa thời bình: “giao tranh” của tốt - xấu; thật - giả; thực dụng và lãng mạn, văn hóa; chớp nhoáng và bền vững mà anh và thế hệ mình không thể đứng ngoài. Anh khát khao góp cách nhìn mới về không gian qua các thiết kế, nhân màu xanh và sự thân thiện cho nhiều thành phố.

Ý thức nhân văn trong kiến trúc hướng tới thân thiện, phát triển bền vững của Hào chính là sự hòa nhập kịp thời xu hướng thế giới. Bản thân gia đình anh cũng đang sống trong một ngôi nhà mang đậm dấu ấn chủ nhân: kiến trúc đóng - mở hợp lý nhằm chiếu sáng, thông gió tự nhiên, dùng năng lượng mặt trời, và có vườn xanh trên cao.

Tháng 7 tới, Hào sẽ sang Bhutan theo lời mời của tổ chức Gross National Happiness, làm nhà cộng đồng, nơi truyền bá lối sống để đạt tới hạnh phúc theo cách của người Bhutan, vốn đã được Liên hợp quốc công nhận.

Hào mê say khi luận bàn kiến trúc, với khát vọng vì Hà Nội đẹp và xanh hơn. Có bao người như Hào? Cần bao người như Hào? Hay cần “n Hào” mới đủ cứu vãn những “vết sẹo” và gìn giữ nổi sự lãng mạn, nên thơ cho Thủ đô yêu dấu đang bão táp phát triển như không hề thương tiếc quá khứ lẫn tương lai?

Tôi không hỏi Hào nhiều câu hỏi dồn dập trên. Vì biết, dù chỉ một mình, Hào vẫn là Hào với tinh thần hiệp sĩ, không nhát hèn, ngán ngại, ích kỷ và chai lỳ, vô cảm - căn bệnh đang tăng ở thị dân bây giờ.

Là Ủy viên Ban chấp hành Hội KTS Việt Nam, Ủy viên Đoàn chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đương nhiệm, nhưng “chức” Hào ham đeo đuổi, là một KTS uy tín, có ảnh hưởng để được xả thân vì Thăng Long.

Với chiếc xe ô tô dã chiến, Hào chăm chỉ đưa đón con, dạy học, ra công trường. Tay không đeo đồng hồ, nhưng lại rất biết sử dụng thời gian, và chưa khi nào ngừng suy tư về nghề. Coi trọng sự giàu có tinh thần, Hào dùng điện thoại Black Berry cũ. Điện thoại hay hết pin, còn anh là hiệp sĩ dư năng lượng.

Báo Tia Sáng - Bộ Khoa học và Công nghệ 

[Quay lại]



Các tin liên quan

Michael Anastassiades ông hoàng ánh sáng

Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ: Người Việt Nam đầu tiên đoạt giải Khôi nguyên La Mã

KTS Ieoh Ming Pei (I. M. Pei)

KTS Ieoh Ming Pei (I. M. Pei)

Kiến trúc sư Le Corbusier

Kiến trúc sư Santiago Calatrava

Kiến trúc sư Zaha Hadid

Norman Foster

Norman Foster

Kiến trúc sư Daniel Libeskind

Kiến trúc sư Jean Nouvel

Richard Meier

Antoni Gaudí

Kinh nghiệm làm việc cùng Kts Jean Francois Milou tại Singapore

Frei Otto và tầm quan trọng của sự thử nghiệm trong kiến trúc

1% về kiến trúc sư Fumihiko Maki!

Kiến trúc sư Rafael Moneo – Cái tên “lạ” của một phong cách “quen”

21 quy tắc để thành công trong kiến trúc/Kevin J Singh

21 quy tắc để thành công trong kiến trúc/Kevin J Singh

Giới thiệu sách “Những kiến trúc sư bạn tôi”