Giải Pritzker - Tôn vinh sự khác biệt

Từ ba điểm chính: tài năng, tầm nhìn, cam kết - đều là những yếu tố thuộc về cá nhân, ta thấy giải Pritzker, ở khía cạnh cơ bản, như nhằm tôn vinh cái khác biệt? Thử nhìn lại lịch sử 33 năm giải thưởng, xét phong cách 1 số tác giả:

Frank O Ghery, thủ lĩnh giải tỏa cấu trúc, ông đã kiến tạo nên 1 thế giới cân bằng động từ những khối hình và không gian tưởng như hỗn loạn. Kiến trúc của Tadao Ando đậm chất thiền đạo Nhật Bản, Ando thiết lập những không gian riêng tư đối lập với không gian xã hội thông tin ầm ĩ bên ngoài. Renzo Piano và Norman Foster đã xóa nhòa ranh giới giữa nghệ thuật và kỹ thuật, các ông là hiện thân của Leonardo Da Vinci thời hiện đại, liên tục nghiên cứu, đề xuất những cấu trúc mới, cách tân vật liệu xây dựng, ứng dụng khí động học trong thiết kế tiết kiệm năng lượng.

KoolHaas muốn thoát ly quan niệm hàn lâm, phá bỏ những rào cản, những câu nệ của thói quen tiếp cận và hành nghề kiến trúc truyền thống. Ông làm kiến trúc tự nhiên như hơi thở, sử dụng rất nhiều vật liệu "đồng nát". Zaha Hadid với kiến trúc tối thượng (extreme), biểu hiện ở chuỗi không gian chuyển động và biến đổi không ngừng, như phản ánh xã hội phức hợp đa chiều, vừa mâu thuẫn vừa phụ thuộc lẫn nhau. Glenn Murcutt giản dị, ông là Kiến trúc sư của văn phòng một người, chuyên "nhà dân", Murcutt tôn trọng thảo nguyên Úc, " Kiến trúc chạm nhẹ vào đất ", thân thiện. Wang Shu 10 năm làm việc với thợ thủ công, thấu hiểu thuộc tính vật liệu. Ông "đập vỡ truyền thống văn hóa Trung Hoa rồi sắp xếp chúng lại theo 1 trật tự khác"...

Ngoài ra, còn rất nhiều tên tuổi chưa được vinh danh, nổi bật là Charles Correa, Calatrava, Mario Botta, Toyo Ito hay những người trẻ: Anna Heringer, Fujimoto, BIG, HeatherWick...Kiến trúc của họ phổ quát cho người nghèo như Correa, Heringer, không tưởng như Calatrava, triết gia như Fujimoto, ngoạn mục như BIG, HeatherWick.

Và tuy mỗi tác giả là 1 khác biệt, duy nhất song dường như tất cả họ đều có điểm chung sau: Họ đến từ những quốc gia có nền kinh tế, văn hóa hội nhập sâu rộng, phát triển cao. Phần lớn họ sống, hành nghề trong môi trường tôn trọng, đề cao giá trị cá nhân. Ở đấy có những tầng lớp chủ đầu tư, khách hàng elite - từ lâu đã thoát khỏi những mục tiêu tầm thường, vụ lợi và ngắn hạn. Trong bối cảnh như vậy, họ tự tin xác lập ngôn ngữ kiến trúc với bảng từ vựng và ngữ pháp riêng, vừa in đậm cái tôi, cái đặc sắc địa phương vừa mang tính toàn nhân loại.

Câu chuyện Wang Shu vượt lên các ứng cử viên khác khá bất ngờ, nhưng trước xu thế tăng trưởng như vũ bão của Trung Quốc và Đông Á, việc một người Trung Quốc thắng giải cũng dễ hiểu. Vận hội đang tới châu Á, trong đó Việt Nam là điểm sáng. Chúng ta cần chủ động hội nhập mạnh mẽ, liên tục cọ xát, rút kinh nghiệm nhằm sớm thu hẹp khoảng cách với thế giới kiến trúc đương đại.

Mặt khác, hành nghề trong hoàn cảnh Việt Nam buộc ta luyện khả năng phân thân giữa niềm vui sáng tạo thuần khiết bên cạnh cái thị trường tầm thường và số đông chủ đầu tư thiển cận. Thiết nghĩ, cần một chiến lược thay đổi gốc rễ nhận thức xã hội về kiến trúc – hiện vẫn chưa sẵn sàng trao quyền tối cao sinh thành tác phẩm cho giới KTS.

Cái khó ló cái khôn, phải liệu cơm gắp mắm. Nhà vật lý Landao tuyên bố " phương pháp quan trọng hơn phát minh, vì phương pháp đúng sẽ cho ra đời những phát minh có giá trị hơn nữa". Việc nghiên cứu, hiểu đúng phương pháp luận của những tác giả lớn giúp ta rút ngắn quá trình định vị con đường phù hợp, tránh ngộ nhận đáng tiếc.

Một khác biệt nữa là giám khảo giải Pritzker không phân biệt quy mô tác phẩm, họ chỉ xét những cống hiến mới, độc đáo về tư tưởng và cách nhìn không gian. Ta biết Murcutt chủ yếu thiết kế nhà dân và những công trình rất nhỏ, song ông vĩ đại vì đã " làm điều hết sức bình thường theo cách phi thường ".

Tuổi trẻ có khả năng thám hiểm những vùng đất mới, đảo lộn các chuẩn tắc, tuổi trẻ là thử và sai. Tuổi trẻ khác lạ, tò mò, kiêu hãnh, thậm chí nhiều lúc như cái gai. Tuổi trẻ là dấn thân và khẳng định.

Tôi vui sướng khi xem tác phẩm của Phan Hùng Hưng, Nguyễn Hòa Hiệp, Lê Thanh Hải, Võ Trọng Nghĩa, Nguyễn Quang Huấn, Lê Lương Ngọc, Nguyễn Tuấn Anh… Công trình của các anh phần lớn đoạt giải quốc gia, quốc tế, đã đăng tải trên nhiều báo, tạp chí uy tín thế giới. Các anh đang từng bước hé lộ những tín hiệu riêng, tích cực. Những tín hiệu góp phần đẩy nhanh quá trình hội nhập của kiến trúc Việt với thế giới đương đại, ít nhất trên mặt bằng quan niệm tư duy và ý thức chuyên nghiệp “đến nơi đến chốn”.

Thế hệ đàn anh đã quên mình vì sự nghiệp chung, lứa đàn em cũng không là ngoại lệ. Trong sâu xa của những KTS đích thực bao giờ cũng là tấm lòng vô tư, trung thực, là những trí tuệ có khả năng tự phản biện, kế thừa lớp trước và đổi mới.

" Đường xa vạn dặm bắt đầu từ những bước chân đầu tiên", tôi hạnh phúc vì không ít các bạn đã lên đường. Đường xa vạn dặm cũng cần nhiều niềm vui, xin mạo muội: liên tục đổi mới hàng ngày – innovating everyday.

[Back]



Related news

Độc đáo lối kiến trúc “nhà trong nhà”

15 ý tưởng lưu trữ trong nhà bếp giúp bạn tiết kiệm tối đa thời gian tìm kiếm đồ đạc

Nhà tôi đương đại

Kiến trúc linh hoạt dành cho các hoạt động thể chất

Tạo không gian sân vườn lãng mạn với đèn trang trí

Thiết kế góc tâm linh cho nhà ở

Như bản tình ca sáng trong

PHONG CÁCH NỘI THẤT

​10 ý tưởng trang trí cho phòng ngủ nhỏ

Mở… thảnh thơi

Những công trình kiến trúc tuyệt đẹp tại Ấn Độ

Kế thừa truyền thống

Làm thế nào để chọn thảm phù hợp với từng phòng

Những kiệt tác mái vòm đẹp nhất trong lịch sử nhân loại