Tọa lạc trong khuôn viên rộng đến 870m², gần như dựa lưng vào núi và lại khá gần với biển, công trình này được thiết kế nhằm đem lại một cuộc sống “tốt” cho chủ nhân.
Công trình gồm năm khối nhà lớn, nhỏ tương ứng với các không gian chức năng khác nhau, và được kết nối với nhau bằng một hệ mái hai lớp, trên là ngói và dưới là gỗ tự nhiên. Khoảng trống giữa các khối tạo nên các sân trong và những khoảng hành lang rộng, vừa phục vụ cho hoạt động giao thông vừa là nơi để nắng gió và các luồng khí lưu chuyển. Nhờ vậy, ngôi nhà luôn thông thoáng và rất hạn chế sử dụng điện năng.
Hầu như các không gian của công trình này đều mở. Đặc biệt là khu vực phòng ăn, được bố trí ở khoảng giao nhau giữa các khối nhà, nó không chỉ kết nối các không gian chức năng mà còn góp phần nâng cao sự tương tác của các thành viên trong gia đình. Với phần diện tích xây dựng chỉ gồm 250m² (tương đương 30% tổng diện tích), các khối nhà được sắp xếp xen kẽ với các mảng sân vườn; ở đó cây xanh và hoa cỏ được sắp đặt khéo kéo để khi nhìn từ các không gian nội thất ra sân vườn, thiên nhiên qua các khung cửa giống như những bức tranh.
Khi xác định làm một ngôi nhà “tốt” để ở thì “đẹp” trở thành yếu tố phụ. Nhưng không phải ngẫu nhiên mà “tốt đẹp” thường đi chung với nhau trong cách sử dụng ngôn ngữ của người Việt. Tốt và đẹp là hai giá trị thường song hành và việc ông bà ta đặt giá trị nào đứng trước hẳn nhiên là có cái lý của nó. Ở ngôi nhà này, cũng không phải mất nhiều thời gian mới cảm nhận được giá trị của yếu tố thứ hai ấy. Ngay từ cái nhìn đầu tiên đã có thể nhận ra vẻ đẹp bình dị qua hình khối kiến trúc của ngôi nhà. Nhìn từ mặt tiền, khối nhà chính với một tầng lầu không che khuất đỉnh đồi phía sau, cũng không hoành tráng mà tạo được cảm giác thật tự nhiên, gần gụi. Gỗ và đá là những vật liệu tự nhiên khai thác tại địa phương, được sử dụng xuyên suốt trong toàn bộ công trình. Sự kết hợp của hai vật liệu thô mộc nhưng được xử lý lắp ghép một cách khéo léo đã tạo nên một tổng thể hài hòa cả về mặt cảm giác và cảm xúc thẩm mỹ. Lạnh và ấm, thô ráp và trơn mịn… Đồ đạc nội thất chọn lọc và hầu hết cũng là vật liệu gỗ, không phô trương mà đơn giản, ít chi tiết…, tất cả được khai thác đúng công năng, đặt ở những vị trí thích hợp – từ đó người ta có thể hòa mình vào thiên nhiên hoặc thấy mình tiếp xúc với thiên nhiên được nhiều nhất.
Nếu mỗi ngôi nhà đều có một yếu tố gì đó tạo dấu ấn đặc biệt, làm nên cái hồn của không gian và ít nhiều chi phối đời sống tinh thần của chủ nhân thì có lẽ bức tượng Phật đặt ở sân vườn phía sau chính là dấu ấn ở ngôi nhà này. Bức tượng ngồi trên phiến đá, như tựa lưng vào mảng tường xanh phía sau. Hẳn là những người thiết kế cũng có dụng ý khi mà từ những không gian sinh hoạt chính của gia đình đều có thể nhìn được ra khoảng sân vườn nơi bức tượng tọa lạc. Dường như vẻ ung dung thong thả của bức tượng cũng mời gọi hoặc khuyến khích người ta lựa chọn một cách sống.