KTS Hoàng Thúc Hào: Kiến trúc phải mang lại lợi ích thiết thực

Kiến trúc sư (KTS) Hoàng Thúc Hào (sinh năm 1971) và Văn phòng Kiến trúc 1+1>2 do anh thành lập nhiều năm qua đã trở thành cái tên uy tín trong giới kiến trúc Việt Nam. Trong đó, không thể không nhắc đến những dự án của anh và cộng sự thể hiện rõ mục tiêu hướng về cộng đồng.

Mới đây nhất, công trình Nhà cộng đồng xã Cẩm Thanh, Hội An đã mang về cho anh giải nhất tại Liên hoan Kiến trúc thế giới (World Architecture Festival) hạng mục dân dụng và cộng đồng (Civic and Community). KTS Hoàng Thúc Hào đã dành cho Báo Hànộimới cuộc trò chuyện thú vị.

Anh có thể chia sẻ với bạn đọc về giải nhất hạng mục dân dụng và cộng đồng của mình tại Liên hoan Kiến trúc thế giới vừa diễn ra tại Singapore.

Nhà cộng đồng xã Cẩm Thanh, Hội An là một trong 13 phương án vào chung kết và phải trình bày trực tiếp trước hội đồng giám khảo tại Singapore. Liên hoan Kiến trúc thế giới là sinh hoạt nghề nghiệp thường niên của giới kiến trúc chuyên nghiệp quốc tế, diễn ra lần đầu tiên ở Tây Ban Nha năm 2008 với nhiều hạng mục. Trong đó, hạng mục chúng tôi dự thi và đoạt giải là một trong những hạng mục chính, phổ biến của hoạt động kiến trúc nói chung. Năm nay khoảng 500 công trình, dự án trên khắp thế giới tham gia và việc giành được giải thưởng duy nhất trong hạng mục dân dụng và cộng đồng với chúng tôi thực sự là một khích lệ lớn, rất đáng tự hào.

Công trình Nhà cộng đồng xã Cẩm Thanh, Hội AnCông trình Nhà cộng đồng xã Cẩm Thanh, Hội An

Nói về Trung tâm cộng đồng Cẩm Thanh, Hội An thì cái độc đáo nằm ở hai yếu tố: Vừa thể hiện rõ bản sắc địa phương vừa có mã thông điệp mang tính toàn nhân loại. Ví như nó là sự kết hợp giữa sân trong, mái vát của nhà cổ Hội An với vườn cau và dàn dây leo thôn dã. Nó chống được bão, hạn chế bức xạ mặt trời, thoáng, thông gió đối lưu và linh hoạt với chuỗi không gian liên hoàn. Nhà cộng đồng vừa có thể mở vào sân trong lại vừa hướng ra sân ngoài – một đặc tính của kiến trúc hiện đại, đáp ứng nhu cầu đa dạng của đời sống người dân. Đây là nơi hội họp, vui chơi, đọc sách, triển lãm hoặc trưng bày đặc sản địa phương.

Rõ ràng, không phải đợi đến Nhà cộng đồng Cẩm Thanh, từ khi nào anh và các cộng sự quan tâm đến vai trò xã hội của kiến trúc cho các mục tiêu thực sự vì cộng đồng?

Tôi nghĩ câu chuyện này từ thời sinh viên, với những nghiên cứu về làng gốm Bát Tràng… Sau này, hầu hết những công trình mang tính xã hội của chúng tôi đều đoạt giải hoặc lọt vào top 5, top 10 của các giải thưởng trong và ngoài nước. Chuỗi nhà ươm cây bằng vỏ chai nhựa tại ruộng rau hữu cơ Sóc Sơn, Đồ Sơn, hay hệ thống sân chơi trẻ em Hội An, Nam Định, Huế chẳng hạn đều đoạt giải Green Good Design 2015 của Mỹ và Châu Âu. Tôi nghĩ rằng, kiến trúc tự thân nó đã mang tính cộng đồng, xã hội rất rõ. Các kiến trúc sư không chỉ sáng tạo ra những công trình có giá trị nghệ thuật, cộng sinh thân thiện với môi trường, mà phải phục vụ thiết thực và có khả năng định hướng người dân.

 Ngài Peter Cook, Chủ tịch Hội đồng giám khảo Liên hoan kiến trúc quốc tế trao giải cho KTS Hoàng Thúc Hào.
Ngài Peter Cook, Chủ tịch Hội đồng giám khảo Liên hoan kiến trúc quốc tế trao giải cho KTS Hoàng Thúc Hào.

Có lẽ vì thế anh tích cực tham gia dự án Nhà chống lũ ra đời từ 2013, thu hút nhiều văn nghệ sĩ, với hơn 200 ngôi nhà đã và đang được xây dựng giúp người dân miền Trung. Anh có thể chia sẻ thêm về hoạt động này?

Quỹ dự án Nhà chống lũ do chị Phạm Hương Giang – một người hoạt động xã hội khởi xướng, không chỉ có các kiến trúc sư trong vai trò nghiên cứu thiết kế các ngôi nhà đáp ứng yêu cầu chống lũ, đáng nói hơn là nó liên kết rất nhiều văn nghệ sĩ, những cá nhân, tổ chức hảo tâm cùng chung tay gây quỹ, ủng hộ chương trình. Buổi gây quỹ tại TP Hồ Chí Minh vừa qua đã thành công với hơn 1,2 tỷ đồng thu được từ các tác phẩm nghệ thuật đấu giá và sự đóng góp của nhiều giới khác. Từ ngày 4 đến 6-12 tới, dự án sẽ tổ chức chương trình triển lãm và đêm gây quỹ (4-12) mang tên “Chuyện Nhà lũ” tại Press Club (Hà Nội). Diva Mỹ Linh – một thành viên của dự án Nhà chống lũ, ca sĩ Tùng Dương cùng nhóm Tứ tấu Apaixonado sẽ tham gia biểu diễn. Với sự hỗ trợ này, Nhà chống lũ hy vọng sẽ xây dựng thêm nhiều căn nhà trong năm 2016…

Có một thông tin thú vị là anh không chỉ tham gia các hoạt động cộng đồng trong lĩnh vực kiến trúc xây dựng, mà hiện đang hợp tác với những người làm sách thiết kế các không gian cổ vũ văn hóa đọc?

Tôi có tham gia thiết kế Quảng trường sách (Booksquare) – một nhà sách với không gian đọc kết nối các hoạt động thú vị khác cho trẻ em tại 12 Hòa Mã. Chúng tôi cũng nhận được lời mời hợp tác nghiên cứu một không gian có tên “Hệ sinh thái sách” cho một trường THCS lớn tại Hà Nội. Tuy nhiên, hiện công việc này mới bắt đầu nên chưa thể chia sẻ nhiều. Chỉ biết, đây là tâm huyết của những người làm giáo dục, nhà khoa học và những người muốn phát triển văn hóa đọc qua việc tạo dựng một môi trường thẩm mỹ, lan tỏa tri thức, tăng cường đối thoại giúp các em yêu sách và tiếp cận sách một cách khoa học, hiệu quả.

[Quay lại]



Các tin liên quan

Shigeru Ban – Kiến trúc sư của sáng tạo

KTS Khương Ngọc Huy chia sẻ trải nghiệm tại hội thảo Architecture Leader Perspective TP HCM

Căn hộ gác mái kiểu dáng công nghiệp đầy màu sắc ở London

Rem Koolhaas: Các Kiến trúc sư đã quên mất nông thôn

KTS Ngô Viết Nam Sơn: Không chỉ chống ngập mà còn tận dụng ngập

Chàng kiến trúc sư “xây hi vọng ở Ấn Độ”

5 CÔNG TRÌNH TÔN GIÁO ĐẸP NHẤT

8 KIỆT TÁC ÁNH SÁNG CHO GIÁNG SINH

4 Kiến trúc sư nổi tiếng nhất thế giới

KTS Hoàng Thúc Hào: “Chúng tôi theo đuổi kiến trúc hạnh phúc”

Những kiến trúc truyền cảm hứng

LỄ HỘI ÁNH SÁNG KHẮP THẾ GIỚI

Hoàng Thúc Hào thắng giải dành cho kiến trúc sư nổi bật ở châu Á

Góc khuất ở những công trình nổi tiếng thế giới và cuộc sống khó tin của kiến trúc sư lừng danh

Michael Anastassiades ông hoàng ánh sáng

Ngôi nhà đá phủ mái cỏ giành giải Kiến trúc xanh Việt Nam

Ngôi nhà ở Sài Gòn đoạt giải quốc tế

Phỏng vấn KTS Hoàng Thúc Hào

Võ Trọng Nghĩa - kiến trúc sư trả lại mảng xanh cho trái đất

Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ: Người Việt Nam đầu tiên đoạt giải Khôi nguyên La Mã