Tại Việt Nam, nếu tính số lượng giải thưởng thế giới về kiến trúc, Võ Trọng Nghĩa đứng vị trí số 1. Số lượng giải thưởng quốc tế qua từng năm với nhiều công trình khác nhau được thống kê chi tiết trên website công ty, và chỉ riêng năm 2015 là 16 giải thưởng thế giới (chưa kể 4 giải trong nước).
Ngoài giải thưởng quốc tế, Võ Trọng Nghĩa cũng được nhiều hãng thông tấn nổi tiếng trên thế giới phỏng vấn và bầu chọn như BBC, CNN, New York Times… Năm 2014, kênh truyền hình CNN đưa Nghĩa vào danh sách Kiến trúc sư tiêu biểu và giới thiệu trong chuyên mục “Ones to Watch” - một chương trình vinh danh những tài năng, tên tuổi lớn trong thế giới văn hóa, nghệ thuật.
Farming Kingder Garten / KTS. Võ Trọng Nghĩa
Chưa hết, rất nhiều trường đại học nổi tiếng trên thế giới cũng mời Nghĩa đến giảng về chủ đề “Xanh hoá trái đất bằng xanh hóa kiến trúc và quy hoạch đô thị” như Đại học Colombia, Chicago, Harvard (Mỹ); Đại học Thanh Hoa, Đại học Hong Kong (Trung Quốc); Hội kiến trúc sư Úc, Newzeland; và UCL (trường về kiến trúc xếp thứ 2 thế giới của vương quốc Anh)….
Đầu năm 2015, Nghĩa nhận lời làm Giáo sư giảng dạy thiết kế kiến trúc tại Singapore University of Technology and Design (SUTD). Đây là trường đại học công lập, chuyên về đào tạo công nghệ và thiết kế, phát triển phối hợp với Viện Công nghệ Massachusetts (MIT – trường được xếp số 1 thế giới về ngành kiến trúc)
Thế nhưng, trái ngược với danh tiếng của mình, Võ Trọng Nghĩa không có nhiều bạn bè trong giới kiến trúc Việt Nam. Một nhà thầu có thời gian làm việc với Nghĩa một thời gian dài nhận xét: “Cậu ấy rất tài năng nhưng kiêu ngạo, rất khó nói chuyện với các kiến trúc sư Việt Nam khác. Kể cả khi còn ít khách thì cậu ấy vẫn lấy giá thiết kế rất đắt. Nếu không may mắn gặp người say mê ý tưởng độc đáo về kiến trúc thì Nghĩa rất khó phát triển”.
Trong số những công trình nổi tiếng thế giới ở thời kỳ đầu gian khó, ít khách hàng, Võ Trọng Nghĩa cũng may mắn gặp được “dân chơi” kiến trúc đúng nghĩa. Mặc những lời chê bai của người khác về Võ Trọng Nghĩa, cũng như độ phức tạp và khó khăn khi thi công, ông Trịnh Ngọc Dũng – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư Hùng Vương (chủ dự án Flamingo Đại Lải Resort) vẫn đồng ý với thiết kế Nhà hàng Bamboo Wings và Trung tâm hội nghị Flamingo tại khu nghỉ dưỡng. Cả 2 công trình này sau đó gặt hái được rất nhiều giải thưởng kiến trúc trên thế giới.
Bamboo Wings / KTS. Võ Trọng Nghĩa
Ngoài công việc, Võ Trọng Nghĩa rất ít đi giao lưu, thậm chí cả với người trong giới kiến trúc. Mọi sức lực và mối quan tâm của anh chỉ dành cho công trình kiến trúc mà mình đang thực hiện. Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc ATEK Architects – một người quen Nghĩa, nhận xét:“Cậu ấy hơi lập dị, rất ít quan hệ với người khác. Tuy nhiên, điều này cũng có hai mặt chứ không phải đơn thuần là tiêu cực. Nhờ việc tập trung hoàn toàn vào các sản phẩm, Nghĩa sẽ tạo ra những công trình xuất sắc, đoạt nhiều giải thưởng quốc tế và đó chính là điều tạo nên sức hút lớn với người đam mê kiến trúc độc đáo”.
Võ Trọng Nghĩa cũng xác nhận:“Mình gần như không đi tiếp khách, nhậu nhẹt, hay cà phê ở đâu cả, chỉ ngồi ở công ty chủ trì thiết kế các công trình của khách hàng thôi”. Khi chúng tôi đặt câu hỏi: “Trong một môi trường mà quan hệ là yếu tố quan trọng hàng đầu, tại sao anh lại không đi quan hệ, bởi điều này sẽ làm cho công việc thuận lợi hơn?”, Nghĩa trả lời: “Mình chấp nhận việc đó!”.
Công việc ít hơn nhưng mình sẽ tập trung làm được những sản phẩm rất tốt thì về lâu dài sẽ tốt vì ai đến với mình cũng được phục vụ tốtTrên thực tế, quan điểm về mức phí quá đắt cho các thiết kế của Võ Trọng Nghĩa hay tính tình nóng nảy, kiêu ngạo của kiến trúc sư này cũng có những ý kiến khác nhau. Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Đại học FPT – người đã làm việc với Nghĩa trong một thời gian dài cho 2 công trình ở cả Hà Nội và TP HCM cho biết: “Nếu thuê một kiến trúc sư tốt thì giá trị của công trình sẽ tăng lên rất nhiều mà chi phí thực tế không đắt so với tổng kinh phí xây dựng”.
Chủ tịch Đại học FPT nói thêm, ông cũng như ban điều hành “không cảm thấy đắt một chút nào” khi thiết kế của trường đoạt 2 giải thưởng kiến trúc Việt Nam và 2 giải thưởng kiến trúc danh tiếng thế giới (trong đó có Green Good Design Award 2016).Ông Tùng tiết lộ, thường thì mức phí sẽ khoảng 3% cùng lắm là lên 5% giá trị công trình, “có thể đắt hơn so với thuê kiến trúc sư khác”. Tuy nhiên, nếu thiết kế giúp tăng công năng sử dụng diện tích mặt bằng lên khoảng 5-10% nhờ bố trí hợp lý (không phải chuyện khó) thì bản thân chủ đầu tư đã tiết kiệm được 5-10% chi phí để bù lại. “Đây là chưa kể đến việc tư vấn sử dụng vật liệu, cách xây dựng hợp lý thì thực ra phí thiết kế không phải là vấn đề”, Chủ tịch Đại học FPT nhận xét.
Về tính tình khó gần, kiêu ngạo của Võ Trọng Nghĩa, ông Tùng cho biết: “Tôi thì thấy bình thường. Nghĩa cũng chia sẻ là trước đây rất nóng tính nhưng giờ nhờ có thiền nên cậu ấy đằm hơn”
Năm 2015, cùng với việc liên tiếp đoạt các giải thưởng quốc tế về kiến trúc, những đơn đặt hàng gửi tới công ty của Nghĩa (cả trong nước và quốc tế) cũng tăng vọt và không có khả năng để đáp ứng đủ. Anh tiết lộ, vào tháng 10/2015, công ty có 40 kiến trúc sư mà phải quản lý tới hơn 50 dự án lớn nhỏ. Trong số đó, các dự án lớn đều mang thương hiệu “xanh” gồm có: Sheraton Phú Quốc, Diamond Lotus, Đại học FPT… “Đó là những công trình xanh, tiết kiệm năng lượng và hài hòa với thiên nhiên”, Nghĩa chia sẻ.
Tuy nhiên, đúng thời điểm cần phát triển bùng nổ, Võ Trọng Nghĩa lại giảm mạnh số lượng kiến trúc sư trong công ty. Nếu trước đó, con số là gần 60 thì đến giữa tháng 10/2015 chỉ còn 40. Giải thích về điều này, anh nói: “Giảm vì chúng tôi đang rất cần tăng. Vì rất cần tăng nên cần người cốt lõi, tinh nhuệ. Trong số đó, một số người có năng lực nhưng lại không thể đi thiền vì lý do gia đình chẳng hạn thì cũng nghỉ”.
Càng rất vội thì càng phải từ từ. Nếu cần nhanh, tốc độ như tên lửa thì phải bình tâm như không có gì, chứ cứ vội vàng thì sẽ thất bại. Muốn to trước hết phải nhỏ lại một chútTrả lời câu hỏi: “Đi làm kinh doanh mà không chịu quan hệ, chỉ tập trung vào chuyên môn; khi đã trở thành kiến trúc sư nổi tiếng thế giới rồi, làm công ty đã 9 năm mà vẫn ‘nghèo’ có phải do anh lãng mạn không cần thiết hay không?” Võ Trọng Nghĩa khẳng định: “Không phải!”
“Khi tôi đến bảo tàng Toyota ở Nhật để xem quá trình chế tạo ra một chiếc xe ôtô thì thấy họ phải mất nhiều năm. Lúc ngân hàng đến và chuẩn bị kéo sập công ty đó thì họ bảo: ‘Bình tĩnh! Xe Crown của chúng tôi chạy vòng quanh thế giới mà không hỏng’. Lúc đấy mới phát triển bùng nổ được. Tư bản họ làm kiểu đó chứ không phải ăn liền được đâu”
Võ Trọng Nghĩa nói thêm, anh coi 9 năm làm việc vất vả, tiền thiết kế phí không đủ trả lương cho nhân viên là giai đoạn đầu tư, giúp “xe Crown chạy vòng quanh thế giới mà không hỏng” và “không cần phải vội vàng”.
Hằng ngày, nếu không phải đi công tác, Võ Trọng Nghĩa dậy sớm, chơi với con, ăn sáng ở nhà rồi đến văn phòng và mang theo cơm hộp để ăn trưa ở công ty, tối về nhà ăn cơm. “Mình không đi tiếp khách, không ra ngoài ăn tiệm. Thì có tiền đâu, kiến trúc sư nghèo mà (cười)” Anh cho biết thêm: “Mình không coi tivi tuyệt đối, cũng ít mở máy tính xem mạng vì không có thời gian”.
Bữa trưa của KTS. Võ Trọng Nghĩa