Trước thông tin xung quanh việc chính quyền TP Đà Nẵng xem xét di dời trung tâm hành chính, Joep Janssen – Kiến trúc sư Hà Lan có nhiều năm sống và làm việc tại TP.HCM đã đưa ý kiến: “Một tòa nhà hành chính thông minh, hiện đại phải là sự pha trộn giữa các kỹ thuật đương đại, kết hợp yếu tố môi trường, sử dụng năng lượng hiệu quả và có thiết kế bền vững”. TCKT.VN trân trọng giới thiệu bài viết của KTS Joep Janssen đăng tải trên TTO.
—–
Tôi tốt nghiệp chuyên ngành kiến trúc ở Hà Lan và từng có nhiều năm sinh sống, làm việc ở TP.HCM. Tôi có quan tâm câu chuyện tranh cãi xung quanh việc chính quyền TP Đà Nẵng xem xét di dời trung tâm hành chính vì những người làm việc trong tòa nhà than phiền quá nóng và thiếu oxy.
Việc di dời trung tâm hành chính không phải là chuyện lạ trên thế giới. Ngay như ở Hà Lan, chính quyền nhiều thành phố cũng đã quyết định di dời nhằm tạo ra một tòa nhà thị chính tốt và độc đáo hơn.
Tuy nhiên trong mọi trường hợp, chính quyền phải chịu trách nhiệm về việc xây dựng trung tâm hành chính thông qua việc tạo ra một kế hoạch xây dựng thực tế và kỹ càng vì đó là tiền thuế của dân.
|
Theo tôi quan sát, trong việc phát triển đô thị mới ở Việt Nam hiện có xu hướng tập trung xây dựng các tòa nhà hành chính có kiến trúc nghệ thuật chạm trổ, phù hợp với văn hóa đặc trưng từng vùng. Tuy vậy nó cũng có nhiều bất cập, ví dụ như không gian tách biệt, tọa lạc tại những khu vực nhiều gió, không an toàn hoặc có mật độ giao thông dày đặc.
Có nhiều tòa nhà được thiết kế tách biệt giống như Trung tâm hành chính Đà Nẵng, với những đặc điểm y hệt nhau bao gồm: chân cột, cổng vào và quầy dịch vụ phía sau, rồi những yếu tố đời sống bắt đầu từ tầng 4 hoặc tương tự. Tôi nghĩ cần phải thảo luận kỹ ngay từ đầu về hình dạng, kích cỡ không gian công cộng và tạo sự tương tác trong bản vẽ tòa nhà trước khi bắt tay vào xây dựng.
Khi tôi làm việc với tư cách là nhà thiết kế đô thị tại Công ty kiến trúc Soeters Van Eldonk ở Amsterdam, tôi dần nhận ra cách thiết kế của những tòa nhà có hạn chế. Bạn có thể xây dựng nên những tòa nhà với kiến trúc đẹp, nhưng nó lại chẳng liên quan gì đến chất lượng của không gian công cộng. Theo tôi, phải chú trọng vào các cấu trúc đô thị bền vững.
Nếu xét theo cấu trúc đô thị bền vững thì kiến trúc không phải là điều thú vị, mà quan trọng nhất chính là chất lượng công năng. Chúng ta phải đặt chất lượng công năng lên hàng đầu, bằng cách đưa ra những lựa chọn kỹ càng như: địa điểm xây tòa nhà, chọn quỹ đất phù hợp.
Sau đó, bạn cần một khách hàng với tầm nhìn rộng, trong trường hợp này chính là chính quyền Đà Nẵng. Tầm nhìn của khách hàng mang yếu tố quyết định chứ không phải là kiến trúc sư.
Những kiến trúc sư hiện đại cố gắng duy trì những kiến trúc “gốc”. Và từ “gốc” ở đây có hai nghĩa: trở về nguyên thủy và tạo khác biệt. Tạo khác biệt thì những người có óc sáng tạo nghĩ họ có thể làm được, nhưng nó có thể là một yếu tố “phá hoại” trong việc xây dựng những tòa nhà.
Các kiến trúc sư hiện đại đã gây ra những tác hại vô kể đối với các thành phố, chẳng hạn như tòa nhà tách biệt bởi những khoảng không gian lớn so với khu dân cư, không tạo ra một thành phố “dễ chịu”.
Một tòa nhà hành chính thông minh, hiện đại phải là sự pha trộn giữa các kỹ thuật đương đại, kết hợp yếu tố môi trường, sử dụng năng lượng hiệu quả và có thiết kế bền vững, cân nhắc yếu tố quá khứ và chú trọng vào tương lai thông qua những thiết kế linh hoạt.
Theo tôi tìm hiểu từ kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa, các đô thị ở Việt Nam có nhiều nhà ống, trong đó có sân để làm mát không gian bên trong theo cách tự nhiên. Tôi nghĩ các công cụ ít tiền và tiết kiệm năng lượng này cũng hoàn toàn có thể áp dụng trong những tòa nhà hành chính.
Bạn có thể tạo ra một vòng tuần hoàn nước trong tòa nhà, tiếp nhận nước mưa và sử dụng nó cho vệ sinh và tưới nước cho các khu vườn bên trong nhà. Rồi thiết kế những mái nhà được bao phủ bởi mảng xanh nhằm làm mát tòa nhà trong thời tiết nhiệt đới nóng như ở Việt Nam, lắp đặt pin mặt trời để tiết kiệm chi phí năng lượng.
Để tìm hiểu về những tiêu chuẩn quốc tế khi xây dựng tòa nhà xanh, Việt Nam hoàn toàn có thể tham khảo LEED (hay Leadership in Energy & Environmental Design) – hệ thống chứng nhận công trình xanh được công nhận rộng rãi trên toàn thế giới của Mỹ hoặc chứng chỉ BCA Green Mark của Singapore – một hệ thống xếp hạng tòa nhà xanh nhằm đánh giá một tòa nhà dựa trên hiệu quả hoạt động và những ảnh hưởng của nó đối với môi trường.
Ngoài ra, một kế hoạch kiến trúc tốt phải dựa vào không gian công cộng – một không gian đủ rộng để mọi người có thể tương tác với nhau, chẳng hạn như thiết kế các cửa sổ và bancông sao cho mọi người có thể nhìn thấy nhau.
Và quan trọng nhất là những tòa nhà hành chính công phải được thiết kế sao cho phù hợp với con người, khiến mọi người làm việc trong tòa nhà cảm thấy thoải mái khi làm việc và đi dạo xung quanh.
Nếu một tòa nhà quá cao và ít có sự liên hệ với không gian công cộng, đồng nghĩa với việc mọi người sẽ ít có cơ hội gặp nhau và tương tác với nhau.
Mối liên hệ giữa bên trong và bên ngoài tòa nhà cũng rất quan trọng. Phải đoan chắc rằng từ bên trong tòa nhà bạn có thể nhìn ra bên ngoài phố để giữ được sự tương tác với cuộc sống.