House Vision: Tìm kiếm tư duy mới về nhà ở

Năm 2013, KTS Kenya Hara đã tập hợp những KTS hàng đầu Nhật Bản tổ chức một loạt các hoạt động nhằm thảo luận về vấn đề nhà ở trong cuộc sống thường nhật như nghiên cứu và suy nghĩ về những vấn đề thực trạng của nhà ở; giới thiệu phong cách sống của Nhật Bản và đề xuất định hướng những ý nghĩ mới về cuộc sống. Đó chính là Chương trình “House Vision – Nhật Bản” lần đầu tiên được tổ chức với chủ đề “Xây dựng nhà ở phong cách mới”. Sau thành công này, House Vision nhanh chóng phát triển ra các nước, trong đó có Việt Nam.

095201baoxaydung_5

Nghiên cứu xây dựng nhà ở theo phong cách mới tại Nhật Bản

House Vision thu hút những KTS hàng đầu Nhật Bản và thế giới như KTS Shigeru Ban,Kengo Kuma, Toyo Ito… và các Cty vật liệu, công nghệ hàng đầu Nhật Bản như INAX, HONDA, TOTO hợp tác trong những dự án thiết kế, thể hiện tài năng sáng tạo và đề xuất các ý tưởng mới mẻ về nhà ở. Các hội thảo và triển lãm House Vision 2013 thu hút hơn 35 nghìn lượt khách, đã khơi gợi tới cộng đồng nhận thức về cuộc sống và nhà ở trong tương lai.

House Vision 2013 đưa ra những ví dụ rất sáng tạo về nhà ở của Nhật Bản trong tương lai, trong đó đề xuất các mô hình nhà ở mới cũng như những phương thức cải tạo của nhà ở truyền thống. Sau 1 năm nghiên cứu, triển lãm House Vision đã trưng bày 08 mô hình tỉ lệ 1/1 mang những thông điệp có tính định hướng nhà ở. Đơn cử, người Nhật có thói quen của cất giày trước lối vào. Ứng dụng các công nghệ hiện đại, qua việc cất giầy, người ta có thể quản lý được dữ liệu về tình trạng sức khỏe của chủ nhà và khách, chẳng hạn như mạch, huyết áp, nhiệt độ cơ thể và trọng lượng. Tương tự, chiếc giường ngủ thông minh cũng có thể giúp kiểm soát trạng thái của cơ thể lúc ngủ và kịp thời thông báo khi có tình huống khẩn cấp.

Nhiều người cho rằng các ý tưởng có vẻ rất xa vời, nhưng những nhà thiết kế tin rằng các công nghệ hiện đại hoàn toàn có khả năng thực hiện những ứng dụng đó và tích hợp chúng vào ngôi nhà.

KTS Kanya Hara cũng cho rằng trong tương lai, việc ứng dụng các công nghệ mới, vật liệu mới sẽ là nền tảng để khám phá những phương thức xây dựng nhà ở trong tương lai với một ý tưởng mới, suy nghĩ mới. Và như thế, vai trò của nhà thiết kế (người hình dung về tương lai) đặc biệt quan trọng. Họ sáng tạo nên các ý tưởng gắn thiết bị gia dụng với hệ thống mạng internet, để ngôi nhà có thể vận hành một cách thông minh.

Khởi động Chương trình House Vision Việt Nam

Sau thành năm 2013, các hoạt động của House Vision đã và đang tiếp diễn dưới dạng các nhóm nghiên cứu và phát triển cả bên ngoài Nhật Bản bao gồm nhiều quốc gia Châu Á như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan.

Tại Việt Nam, KTS Kanya Hara đã có cuộc gặp mặt với Chủ tịch Hội KTS Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn nhằm giới thiệu và đề xuất hợp tác thực hiện chương trình House Vision. Chủ tịch Hội KTS Việt Nam đã giao cho Tạp chí Kiến trúc (thuộc Hội) phối hợp với House Vision Nhật Bản để thực hiện Chương trình House Vision Việt Nam 2015 – 2017.

Triển khai chương trình, mới đây, Tạp chí Kiến trúc đã tổ chức buổi gặp mặt của các chuyên gia, KTS và các nhà tài trợ nhằm thống nhất thảo luận những vấn đề cụ thể tại Việt nam, từ đó đề xuất các nhóm nghiên cứu và nhóm KTS cùng suy nghĩ về Tầm nhìn Nhà ở Việt Nam đến năm 2050.

Tại buổi gặp gỡ, GS.TS.KTS Nguyễn Việt Châu – Tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc nhận định: Đây không phải là “cuộc chơi” của riêng giới KTS mà là kết tinh những ý tưởng sáng tạo của các chuyên gia, các KTS với sự tài trợ, giúp đỡ của các Cty công nghệ, vật liệu cùng làm việc nghiêm túc, cẩn trọng để xây dựng những mô hình nhà ở thiết thực, hiệu quả và thông minh của Việt Nam trong tương lai”.

PGS.KTS Phạm Thúy Loan – Phó viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia cũng cho rằng: “Dự án House Vision Việt Nam thể hiện rất rõ cách suy nghĩ của người Nhật khi nhìn về tương lai xa, tích hợp nhiều lĩnh vực. Đó là một cách tư duy rất hay. Áp dụng cách thức tổ chức và cách tư duy House Vision, chúng ta sẽ tìm ra được những ý tưởng tốt, có tính thực tiễn về tương lai nhà ở Việt Nam”

KTS Nguyễn Đăng Quang – Phó tổng giám đốc Coninco thì chia sẻ: “Chúng tôi rất vui mừng được tham gia vào các nhóm KTS thiết kế ý tưởng. Rất mong kết quả nghiên cứu và những nỗ lực của nhóm sẽ có hữu ích trong thực tiễn và sẽ được triển khai trong tương lai. Mặc dù chúng ta không thể áp dụng mô hình của Nhật vào Việt Nam vì nền kinh tế của chúng ta và đặc thù điều kiện tự nhiên đều khác biệt song quan trọng là những thành công tại Nhật Bản đã và đang đưa tới cho chúng ta định hướng phương pháp để tiếp cận nhanh hơn với các xu thế chung của thế giới”.

Với kinh nghiệm trong thiết kế các công trình theo xu hướng kiến trúc xanh, phát triển bền vững, đại diện Cty Kiến trúc 1+1>2, Cty Kiến trúc Võ Trọng Nghĩa đều khẳng định việc tìm hiểu các vật liệu địa phương thân thiện với môi trường kết hợp với ứng dụng những công nghệ góp phần tăng thêm công năng và tiện ích của công trình sẽ là kiến trúc của những năm tới. Riêng Cty Kiến trúc 1+1>2 luôn ấp ủ thông qua House Vision sẽ có cơ hội để trao đổi và nghiên cứu thành công mô hình của nhà ở nông thôn theo xu hướng hiện đại hóa và tiết kiệm năng lượng.

Đại diện Cty BKAV Smarthome khẳng định: “Cty sẵn sàng tư vấn, giúp đỡ và thông tin tới các KTS về các sản phẩm và công năng của sản phẩm để giúp KTS có điều kiện ứng dụng nhiều nhất vào phát triển ý tưởng của mình”.

Rõ ràng House Vision Việt Nam đã và đang nhận được sự thu hút và hấp dẫn giới nghề cùng các doanh nghiệp công nghệ, VLXD. Dự kiến, vào tháng 8/2015, Tạp chí Kiến trúc sẽ phát động cuộc thi Ý tưởng Tầm nhìn Nhà ở Việt Nam đến năm 2050 và hội thảo chuyên ngành về thực trạng và tương lai nhà ở Việt Nam.

[Quay lại]



Các tin liên quan

Michael Anastassiades ông hoàng ánh sáng

KTS Hoàng Thúc Hào - "Hiệp sĩ xanh"

Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ: Người Việt Nam đầu tiên đoạt giải Khôi nguyên La Mã

KTS Ieoh Ming Pei (I. M. Pei)

KTS Ieoh Ming Pei (I. M. Pei)

Kiến trúc sư Le Corbusier

Kiến trúc sư Santiago Calatrava

Kiến trúc sư Zaha Hadid

Norman Foster

Norman Foster

Kiến trúc sư Daniel Libeskind

Kiến trúc sư Jean Nouvel

Richard Meier

Antoni Gaudí

Kinh nghiệm làm việc cùng Kts Jean Francois Milou tại Singapore

Frei Otto và tầm quan trọng của sự thử nghiệm trong kiến trúc

1% về kiến trúc sư Fumihiko Maki!

Kiến trúc sư Rafael Moneo – Cái tên “lạ” của một phong cách “quen”

21 quy tắc để thành công trong kiến trúc/Kevin J Singh

21 quy tắc để thành công trong kiến trúc/Kevin J Singh