Rafael Moneo là một kiến trúc sư Tây Ban Nha có ảnh hưởng rất lớn đến nền Kiến trúc Thế Giới vào cuối thế kỉ trước, ông là bậc thầy với hiểu biết uyên thâm về học thuật và thiết kế, ông được đánh giá cao bởi những nhà phê bình kiến trúc, các Kiến trúc sư… Tuy cũng giành giải Pritzker (năm 1996) nhưng tên tuổi của ông không được nhiều người biết đến như IM Pei, Frank Gehry hay Robert Venturi, một phần vì ông không có quá nhiều công trình trong sự nghiệp thiết kế của mình, cũng có thể là do ông hoạt động trên nhiều khía cạnh của kiến trúc, và có lẽ, do phong cách kiến trúc Chiết trung mà ông theo đuổi quá đa dạng, khó nắm bắt.
Một cái tên “lạ”…
Rafael Moneo – người cống hiến cả đời cho Kiến trúc nhưng ít ai biết rằng niềm yêu thích thủa niên thiếu của ông lại là triết học và hội họa
Rafael Moneo tên đầy đủ là José Rafael Moneo Vallés sinh năm 1937 tại Tây Ban Nha, ông được biết đến với nhiều vai trò như kiến trúc sư, nhà lý thuyết kiến trúc và giáo sư Đại học. Mặc dù là một trong những nhân vật quan trọng nhất của kiến trúc Tây Ban Nha, tuy nhiên niềm đam mê ngày niên thiếu của Moneo lại là về triết học và hội họa. Chính bố ông – một kỹ sư đã truyền niềm đam mê và hướng cho ông học Kiến trúc tại Trường Đại học Kỹ thuật Madrid. Tại đây, ông chịu ảnh hưởng mạnh từ giáo sư môn Lịch sử Kiến trúc của ông – giáo sư Leopoldo Torres Balbás. Trong 3 năm từ năm 1958 – 1961 ông học việc tại văn phòng của KTS Francisco Javier Sáenz de Oiza.
KTS Francisco Javier Sáenz de Oiza và hai công trình tiêu biểu của ông
Sau khi tốt nghiệp năm 1961, Moneo đến Đan Mạch làm việc cho kiến trúc sư Jørn Utzon và tham gia vào giai đoạn đầu khi Jørn Utzon thiết kế công trình nổi tiếng Nhà hát Opera Sydney. Trước khi trở về Tây Ban Nha vào năm 1962, Moneo đã đi khắp các nước vùng Scandinavia, trong thời gian đó, ông đã gặp Alvar Aalto ở Helsinki, Phần Lan.
Moneo đến Đan Mạch làm việc cho kiến trúc sư Jørn Utzon và tham gia vào giai đoạn đầu khi Jørn Utzon thiết kế công trình nổi tiếng Nhà hát Opera Sydney
Tình yêu Kiến trúc của Rafael Moneo được thể hiện qua những công trình ông thiết kế, những học thuyết ông nghiên cứu và xuất bản thành sách, những bài giảng trên giảng đường.
Năm 1962, Moneo quay về Tây Ban Nha và ông nhận được một học bổng nhỏ của Viện Hàn lâm Tây Ban Nha sang Rome, Ý học trong vòng hai năm. Tại đây ông đã có cơ hội gặp gỡ làm quen với nhiều nhân vật nổi tiếng đương thời như Bruno Zevi, Manfredo Tafuri, Paolo Portoghesi. Năm 1965, Moneo quay lại Tây Ban Nha, dạy học và hoàn thành học vị tiến sĩ tại trường Kiến trúc, Đại học Madrid. Năm1970, ông chuyển sang làm nghiên cứu về học thuyết kiến trúc tại trường Kiến trúc Barcelona. Năm 1976, Moneo sang Mỹ làm việc theo học bổng của Học viện Nghiên cứu Kiến trúc và Đô thị New York (Institute for Architecture and Urban Studies of New York City) và trường Kiến trúc của Hiệp hội Cooper (Cooper Union Irwin S. Chanin School of Architecture). Trong thời gian này, ông trở thành giáo sư thỉnh giảng của Đại học Harvard, Đại học Princeton và Đại học Lausanne (Thụy Sĩ). Năm 1985, Moneo được bổ nhiệm làm chủ nhiệm khoa Kiến trúc, Đại học Harvard cho đến đầu những năm 1990.
… Một phong cách “quen”
Tình yêu Kiến trúc của ông được thể hiện qua những công trình ông thiết kế, những học thuyết ông nghiên cứu và xuất bản thành sách, những bài giảng trên giảng đường.
Không giống như nhiều kiến trúc sư đương đại, Moneo không “sao chép” từ các xu hướng liên quan đến chủ nghĩa Công năng và chủ nghĩa Biểu hiện châu Âu. Thay vào đó, Moneo bị ảnh hưởng bởi kiến trúc truyền thống của Bắc Âu và Hà Lan. Ông chắt lọc tất cả những hiểu biết uyên thâm về lĩnh vực kiến trúc và sự sáng tạo của mình để tạo ra những công trình có các dáng vẻ đa dạng khác nhau, phù hợp với bối cảnh thiết kế. Tòa nhà của ông thường sạch sẽ, thẳng thớm, các bức tường, dầm, cột đan xen thành dạng lưới hoặc song song.
Nỗi công trình của ông đều là duy nhất, duy nhất với Kiến trúc, duy nhất với chính bản thân ông.
Trong nhiều công trình mà Rafael Moneo đã thiết kế, chúng ta có thể điểm qua một số công trình nổi bật như: bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia La Mã, trung tâm Hội nghị và Khán phòng Kursaal, nhà thờ Đức mẹ của các Thiên thần, dự án mở rộng của ga Atocha, tòa thị chính Murcia, …
Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia La Mã:
Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia La Mã là đòn bẩy “định vị” tên tuổi Rafael Moneo trên “bản đồ” Kiến trúc thế giới
Đây là một tác phẩm nổi tiếng của Moneo, có thể nói, Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia La Mã là đòn bẩy “định vị” tên tuổi Rafael Moneo trên “bản đồ” Kiến trúc thế giới. Bảo tàng này là một kiệt tác mới của Kiến trúc thế giới. Với những chi tiết trụ tường, vòm, cửa sổ, đèn, cửa chớp,… đơn giản, có phần “trần trụi” như phong cách Hiện đại.
Với những chi tiết trụ tường, vòm, cửa sổ, đèn, cửa chớp,… đơn giản, có phần “trần trụi”
Vật liệu được Moneo sử dụng là những viên gạch La Mã, sử dụng rất nhiều những khung vòm để tạo lên các không gian trưng bày. Và một điểm đặc biệt là Bảo tàng có cửa sổ ở trên mái, các không gian đều đủ ánh sáng. Bằng cách sử dụng vật liệu đặc trưng của La Mã, các hệ vòm cũng đặc trưng của Kiến trúc thành Rome, một Bảo tàng trưng bày Nghệ thuật La Mã, đặt tại trung tâm Tây Ban Nha nhưng lại không hề “lệch tone”.
Gạch Rome và những khung vòm tạo nên vẻ đẹp cho công trình
Trung tâm Hội nghị và Khán phòng Kursaal:
Hai tảng đá khổng lồ mắc cạn ở cửa sông
Công trình được đánh giá là công trình nổi tiếng nhất của Rafael Moneo, gần biển San Sebastian phía Bắc Tây Ban Nha. Một vùng đất được Thiên nhiên cực kì ưu ái, rất ít nơi có được điều kiện tự nhiên thuận lợi đến như vậy. Do đó, Moneo đề xuất xây dựng một tòa nhà mà không được xâm phạm đến vẻ đẹp “Trời cho” này. Công trình kết hợp yếu tố trừu tượng với các yếu tố của thiên nhiên, như hai tảng đá khổng lồ mắc cạn ở cửa sông – một phần của thiên nhiên chứ không phải thuộc về thành phố. Tòa nhà kép này bao gồm một số không gian như khán phòng ( 1880 chỗ ngồi ), hội trường lớn, phòng triển lãm, các phòng đa năng. Một điểm nữa là “Hai tảng đá mắc kẹt” này bị nghiêng nhẹ về phía biển như những hòn đá ngả nghiêng vì sóng vỗ.
“Hai tảng đá mắc kẹt” này bị nghiêng nhẹ về phía biển như những hòn đá ngả nghiêng vì sóng vỗ
Nhà thờ Đức mẹ của các Thiên thần, Los Angeles, Mỹ (Cathedral of Our Lady of the Angels)
Nhà thờ Đức Mẹ của các Thiên Thần là nhà thờ đầu tiên của Tổng Giáo Phận Los Angeles. Quảng trường của nhà thờ chỉ có thể tiếp cận bằng 2 cách, thông qua cổng trên đường Temple hoặc từ bãi đậu xe ngầm.
Nhìn Nhà thờ từ đường Cao tốc Hollywood
Nhìn Nhà thờ từ đường Temple
Moneo không muốn nhà thờ đối mặt trực tiếp với các đường phố. Từ đường Temple, con chiên sẽ đi theo một con đường tâm linh: qua “bức tường chuông”, đến các bậc thang hướng lên Nhà thờ, từng bước một đi từ thế tục đến linh thiêng, trạm cuối cùng là cánh cửa lớn bằng đồng nặng 25 tấn có tượng của Đức mẹ Đồng Trinh với vầng hào quang trên đầu. Điểm đặc biệt là, vầng hào quang này được tạo lên mới ánh sáng tự nhiên từ một lỗ trụ tròn trên đầu Đức mẹ.
“Bức tường chuông”
Bậc thang dẫn lối lên Nhà thờ
Cánh cổng đưa con người đi từ thế tục đến linh thiêng
Tượng Đức mẹ Đồng trinh bên trên cổng
Nột thất bên trong nhà thờ
Sự nghiệp của Rafael Moneo là ví dụ lý tưởng cho việc học hỏi kiến thức và kinh nghiệm bằng việc vừa nghiên cứu, vừa giảng dạy, lại vừa làm nghề. Moneo có một tầm ảnh hưởng to lớn đến các khía cạnh Kiến trúc mà ông có tham gia hoạt động. Ông luôn nghiên cứu kĩ càng đến mức đáng kinh ngạc về khu đất, hiện trạng, nhiệm vụ thiết kế, điều kiện khí hậu và các yêu cầu riêng của từng dự án. Kết quả là, mỗi công trình của ông đều là duy nhất, duy nhất với Kiến trúc, duy nhất với chính bản thân ông. Và lẽ dĩ nhiên, Rafael Moneo cũng là “duy nhất” với Kiến trúc thế giới.