Vậy là chị Hằng quyết định đào ao thả cá và trồng rau sạch. Nghe nói chị còn đang lên kế hoạch làm kiểu siêu thị tại vườn. Một cuộc sống đầy ắp thú vui với thiên nhiên sắp mở ra.
Mới đây, chị Hằng gặp một anh bạn học chung trường đại học, nay đang định cư tại Pháp. Anh kể nhà anh gần quán cà phê của một ca sĩ khá nổi tiếng tại Sài Gòn trước đây. Quán cà phê của cô không lớn, nhưng ở vị trí thuận tiện đi lại, có khoảng hiên nhìn ra ngoài phố khá đẹp nên rất đông khách. Ở ngoài hiên, thay vì trồng hoa, trồng cây kiểng, thì cô trồng các loại cây ăn lá, ăn trái của Việt Nam như mùng tơi, rau muống, mướp, bầu…
Vì có tay chăm cây, nên các loại cây tại đây xanh tươi đẹp đẽ. Vừa để gia chủ ăn, vừa để khách uống cà phê ngắm nghía. Kể xong câu chuyện ấy, anh bạn kết luận: “Ở đâu thì nhà mặt tiền cũng có giá trị. Nhưng có người khẳng định, Việt Nam mà hết đi xe gắn máy rồi thì nhà mặt tiền xuống giá. Với sự quan sát của mình, đó là một kết luận chủ quan. Ở châu Âu không có văn hoá đi xe gắn máy như Việt Nam, ấy nhưng nhà mặt tiền vẫn dễ cho thuê để người ta làm cửa hàng cửa hiệu và quán xá. Trong khi người mỗi ngày mỗi đông, nhà chung cư xây lên nhiều để đáp ứng nhu cầu ở, thì nhà mặt tiền lại càng khan hiếm. Nơi trung tâm và giao thương thì được gọi là đất vàng, nhiều tiền vô cùng”.
Nghe bạn phân tích như vậy, chị Hằng rất suy tính. Sau nhiều năm tích cóp, ở tuổi 45, vợ chồng chị đã có 3 căn hộ tại 3 quận khác nhau trong thành phố. Vợ chồng con cái ở quận 3 để tiện cho việc học hành, còn lại căn hộ quận 2 và quận 7 thì chị cho thuê. Mỗi tháng, khoản tiền cho thuê căn hộ cũng đủ để ăn xài trong gia đình.
Nhưng căn hộ thì khi hư hỏng rất khó để sửa chữa, đặc biệt là vấn đề chống thấm. Nhà bên dưới bị ướt lỏng tỏng, mà nhà trên vẫn ung dung không sửa, thì cực kỳ khó chịu. Nghĩ tới nghĩ lui, chị Hằng vẫn rất muốn được “chân chạm đất”.
Chị tính bán đi một căn hộ để mua miếng vườn đào ao thả cá, trồng rau sạch, nuôi ít vịt, ít gà, ít heo cho đảm bảo sức khoẻ. Sau này vợ chồng già rồi, các con cũng bay nhảy đi đây đi đó, thì có mảnh đất vui thú điền viên.
Chồng chị Hằng cùng thống nhất phương án của vợ, bán căn hộ tại quận 7 để đầu tư miếng đất vườn ngoại thành. Chị Hằng trước đây đã từng “nổi tiếng” trong nhóm bạn vì chị thường nói: “Đồng tiền không biết cười đâu, chỉ có con mình cười với mình thôi!”. Và đến giờ thì chị khẳng định “đẳng cấp” của mình bằng một triết lý khác: “Con người toan tính xô bồ lắm, chỉ có thiên nhiên là trong lành nhất!”.
2.
Thu Dung là một cô gái ngoài Bắc theo chồng vào Sài Gòn. Cô sống cùng đại gia đình nhà chồng, với bao nỗi khó nói của sự chung đụng nhiều thế hệ trong căn nhà chật chội, bé tí xíu tại trung tâm Sài Gòn.
Chồng Dung là con trai duy nhất, nên việc ra ngoài ở riêng không được cả gia đình ủng hộ. Bản thân anh cũng chỉ muốn sống chung cùng ba mẹ để hầu chuyện và phục vụ 2 cụ. Dù không nói ra và hết sức chịu đựng, nhưng nhiều lúc nỗi buồn và sự ức chế của Dung trong các sinh hoạt đời thường chỉ muốn bùng ngay thành cơn bão dữ.
Cô tâm sự, những khi buồn, chỉ muốn có tiền để mua miếng đất trồng cây. Nghe đâu, ở tại trung tâm, người ta còn cho thuê cả triệu đồng một khoảnh đất để trồng rau an toàn. Hơn thế nữa, cuộc sống cạnh thiên nhiên khiến người ta dịu dàng lại, không đua chen và bất nhẫn với nhau. Phàm con người ta biết nâng niu ngọn cỏ, lá cây, thì chắc chắn người đó sẽ có tâm hồn hướng thiện.
Giờ ở bầu thì tròn vậy. Ban công ở nhà dù chỉ 1 m2 cũng có thể trồng rau, trồng ớt; khoảng sân thượng cao chót vót trên lầu nếu khéo tay có thể làm khu vườn lãng mạn. Và tất nhiên, nếu có điều kiện như vợ chồng chị Hằng, thì cũng rất nên có “mảnh đất cắm dùi” cho thoả sức gần gũi thiên nhiên. Ai cũng có quyền có ước mơ, và ít nhất, ở người có khát vọng trẻ, thì mơ một lần cũng là bắt đầu một sự nghiệp rồi.