KTS Hoàng Thúc Hào

Sau gần hai mươi năm làm nghề, sở hữu rất nhiều giải thưởng, luôn bận bịu với những dự án và ý tưởng mới, kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào vẫn không nguôi khát vọng: sẽ đến một ngày, anh có trong tay những tác phẩm kiến trúc mang đẳng cấp quốc tế…

Anh đã làm gì và ở đâu trước khi xuất hiện trên bục nhiều lễ công bố giải thưởng kiến trúc?

Tôi tốt nghiệp khoa kiến trúc đại học Xây dựng năm 1992. Bảy, tám năm sau đó chỉ làm ngoài, tự mở xưởng, nhận thiết kế những ngôi nhà nhỏ, vài công trình công cộng. Năm 2003, sau khi học xong cao học ở Ý về “Lịch sử, phân tích và đánh giá những di sản kiến trúc và môi trường”, tôi trở về Việt Nam làm giảng viên trường mình đã học và bắt đầu dành nhiều thời gian tham gia các cuộc thi kiến trúc. Vì còn trẻ, vì muốn thử sức. Vì ban đầu chưa nhiều việc…

Thi thố, với anh là để khẳng định mình hay còn vì lẽ gì khác? Nếu bị gọi là “người của những cuộc thi”, anh có bận tâm không?

Nếu một ai đó cứ khăng khăng thi cử, thể nào cũng có những xì xào, bàn tán. Vì danh, vì chính trị? Đương nhiên, ai chẳng muốn có danh – chính đáng hay không mà thôi. Hơn nữa, bất kỳ vấn đề kiến trúc quy hoạch nào cũng gián tiếp liên quan đến chính trị vì nó gắn với luật pháp, thể chế. Nếu đề án đó lại động đến câu chuyện nông dân và nông thôn, thì càng có ý nghĩa chính trị, xã hội. Theo tôi, tự công trình sẽ nói lên những hay dở của nó.

Tác phẩm kiến trúc đầu tiên do anh thiết kế đã lọt mắt ban giám khảo như thế nào? Thời gian có làm nó lạc hậu không?

Tôi nghĩ là không. Mười lăm năm đã qua, nhìn lại vẫn thấy thích, dù hồi đó vật liệu xây dựng hạn chế, nhôm kính rẻ tiền… Đó là trung tâm Việt Đức – một công trình do người Đức tổ chức thi chọn, được thiết kế phù hợp ngôn ngữ tổng thể và thích hợp khí hậu Việt Nam đồng thời vẫn mang được những dấu ấn văn hoá Đức.

Đó là điều anh muốn làm và đã được làm khi còn rất trẻ. Thế còn những thứ mà anh mơ được làm, nhưng cho đến giờ vẫn chỉ là… mơ?

Nếu thiên tài nào chữa được căn bệnh thâm căn cố đế “làm không đến nơi đến chốn” của người Việt, chắc chắn nước mình sẽ khá.

Một quảng trường có tên là Khoan dung, trên ý tưởng cải tạo nhà tù Hoả Lò – một chứng tích chiến tranh sừng sững ngay giữa lòng thủ đô văn hiến, một ám ảnh nặng nề, một mụn nhọt trong đô thị và không đồng nhất về không gian đô thị cũng như không gian văn hoá xã hội. Tôi muốn xoá đi sự hiện diện tiêu cực của nó với việc sắp xếp lại những bức tường cũ – nơi mà quá khứ đau thương, nếu có thể giữ lại, chỉ qua hình ảnh phản chiếu xuống mặt nước. Phần còn lại là khoảng trống – nơi của cây cối, tổ chức nghệ thuật sắp đặt, triển lãm đường phố, chỗ dạo chơi cho trẻ con, người già, cựu chiến binh… Gần như đó sẽ là một không gian biểu tượng của Hà Nội – thành phố vì hoà bình, nơi tạm quên đi quá khứ đau thương, bỏ lại sau lưng hận thù… Tiếc rằng nó chỉ được ghi nhận mà không được thực hiện…

Cảm tưởng của anh sau mỗi lần nhận giải xong lại đem về… xếp làm kỷ niệm?

Đó là những ý tưởng được tính toán khả thi, được đánh giá cao trong các cuộc thi, gần đây nhất là Cung đường hoà bình – nhằm cải tạo tuyến đê Bưởi – một dự án đơn giản và rẻ tiền, dễ thực hiện, nhưng đến nay, sau hai năm rồi vẫn chìm trong im lặng. Dự án bảo tàng hồ Gươm cũng vậy… Mỗi lần như vậy đều không khỏi buồn buồn và phải tự an ủi rằng đấy là “nỗi buồn thời đại”! Nói chung, cái gì rồi cũng qua và nhường chỗ cho những dự định mới.


Nhà cộng đồng thôn Suối Rè với cấu trúc không gian tổng thể ngôi nhà theo lớp. Không gian sinh hoạt chính của ngôi nhà ở lớp giữa, gồm hai tầng. Tầng trên là nhà trẻ, lớp mẫu giáo kết hợp thư viện, phòng họp thôn… các chức năng đan xen nhau linh hoạt. Ảnh: Trần Việt Đức

Thực ra đó chỉ là một vấn đề nhỏ nằm trong câu chuyện lớn của quy hoạch và kiến trúc thủ đô hiện nay, với quá nhiều bất cập!

Quy hoạch và kiến trúc thủ đô là điều không chỉ thế hệ tôi mà thế hệ đi trước chưa làm được như mong ước, không hiểu sau sẽ thế nào. Đây không phải chuyện riêng của giới kiến trúc do nó phụ thuộc rất nhiều vào quyết sách vĩ mô. Hà Nội rất cần những mạnh thường quân, những nhạc trưởng – không chỉ về phương diện tài chính, mà đặc biệt là khía cạnh chính trị. Vì sao Paris thời tổng thống Francois Miterand lại làm được nhiều công trình kiến trúc đặc sắc? Vì sao một tổng thống lại chủ trì rất nhiều cuộc thi kiến trúc quốc tế, lựa chọn được nhiều kiến trúc sư tài năng?…

Vậy theo anh, ngoài Hà Nội xưa, Hà Nội cũ, thì kiến trúc mới của Hà Nội mấy chục năm qua chẳng lẽ không có thành tựu?

Có chứ, khu đô thị Linh Đàm chẳng hạn, hệ thống mặt nước cây xanh khá thú vị, cảnh quan tự nhiên khá tốt, mật độ xây dựng tương đối hợp lý, tiếc là công trình kiến trúc cụ thể chưa đẹp, chỉ dừng ở những chung cư nhang nhác Liên Xô (cũ), biệt thự lai Pháp dởm. Khu Ciputra hệ thống sân vườn cây xanh tốt, nhưng quy hoạch như trại lính, người đi dễ bị lạc, ngôn ngữ kiến trúc không biết là dạng gì: Âu, Á hay đạo Hồi… Nói chung, tôi thấy tiếc cho một Hà Nội nhiều mặt nước — tiếc là cảnh quan xung quanh hồ không được khai thác, lẽ ra mặt nước phải là yếu tố độc nhất vô nhị đóng góp vào cảnh quan thủ đô. Một sự lãng phí!

Đường đi và tiêu chí của kiến trúc Việt, theo anh?

Kiến trúc của ta phần nhiều mới chỉ dừng ở “chỗ chui ra chui vào”, chưa phải là không gian sống văn minh, giúp người sống trong đó có thể sáng tạo ra chính họ và nhân văn hơn. Hiện tại, kiến trúc đang khủng hoảng. Điều đó có cái tốt: có sự phân hoá, đào thải. Người có năng lực, tâm huyết, yêu nghề sẽ trụ lại được. Phải nhanh chóng chuyên nghiệp hoá và then chốt là chuyên môn hoá, khoan sâu vào thế mạnh riêng của mỗi người: cảnh quan, kiến trúc nhà ở hay công sở… Làm tham và rộng sẽ khó hay và tầm cỡ. Một tất yếu khác: phải nhanh chóng tìm hiểu, xây dựng tiêu chí kiến trúc xanh thích hợp hoàn cảnh Việt Nam.

Sau những trải nghiệm cần thiết về cuộc sống và nghề nghiệp, quan niệm làm nghề có thay đổi trong anh?

Những kiến trúc sư yêu nghề thế hệ chúng tôi đa phần chấp nhận “thoả hiệp có giới hạn” để làm ra những “sản phẩm sạch”, vì ở ta khó có một sản phẩm được sáng tạo theo chuẩn quốc tế. Có thể chắc chắn rằng, vì nhiều lý do, thế hệ trước chúng tôi 10 – 20 năm và sau chúng tôi khoảng mười năm, để làm một công trình hoành tráng đồng thời là một tác phẩm nghệ thuật có giá trị quốc tế, khó vô cùng. Chúng tôi, dù vẫn muốn thực hiện những việc lớn, nhưng khát vọng nghề nghiệp lại khó gửi gắm ở đó. Song chẳng lẽ đầu hàng? Chẳng lẽ chỉ là những “sản phẩm sạch”, là tiền nuôi dạ dày mấy anh em trong văn phòng?

Điều quan trọng là không được nản lòng. Đến lúc nào thì anh chấp nhận dừng sự lãng mạn lại để… thực dụng hơn ?

Sau nhiều ý tưởng không được thực hiện, tôi tự rút ra cho mình bài học: phải tạo ra cơ hội, điều kiện để anh em có thể chủ động hiện thực hoá ý tưởng. Hiện thực ở đây là mình, chứ không phải ai khác, từ việc tìm kiếm địa điểm, vẽ, bỏ tiền, phê duyệt, thi công hoàn chỉnh và đưa vào vận hành. Nhà cộng đồng thôn Suối Rè tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình là một ví dụ. Có lẽ, đây là sản phẩm đầu tiên tương đối thoả mãn khát vọng nghề nghiệp của chúng tôi.

Nghĩa là sẽ phải mất nhiều công sức và thời gian, để tích luỹ tiền túi, rồi thuyết phục bạn bè cùng tham gia, thuyết phục vợ con ủng hộ?

Bạn bè tôi khi nghe về ý tưởng đó đều chia sẻ, động viên. Vợ tôi ban đầu cũng đôi chút băn khoăn vì cuộc sống của chúng tôi chưa dư dả gì, nhưng cô ấy hiểu được điều tôi muốn. Thực ra, đó là một công trình nhỏ, phi lợi nhuận, tổng đầu tư, kể cả thử nghiệm khoảng trên 30.000 USD, đều là tiền của văn phòng chúng tôi và một vài người bạn hảo tâm…

Vấn đề là, không thể cứ “bỏ ống” để “lâu lâu được làm một thứ mình muốn, dù nhỏ”, nên chăng cần một giải pháp thích hợp nào khác?

Chúng tôi đang nghĩ tới việc hình thành quỹ kiến trúc cộng đồng chẳng hạn. Có thể lắm chứ?

“Cái khó ló cái khôn” đã dẫn anh và các cộng sự đi đến nhận thức mới về “công trình toàn quyền”?

Không chỉ vì muốn toàn quyền quyết định công trình, mà với anh em chúng tôi, còn một lẽ khác: kiến trúc nông thôn, lâu nay chỉ hô khẩu hiệu, ít ai làm gì cho nó. Từ nhiều năm trước, chúng tôi đã suy ngẫm trăn trở, nhưng phải nói là lúc đó chưa đủ điều kiện và tri thức cũng chưa chín… Thời gian càng giúp chúng tôi hiểu rằng: có những mảng kiến trúc xã hội, cộng đồng, sử dụng vật liệu địa phương như đất đá, tre lá mà ta chưa chủ động khai thác. Những đặc sản ấy thực ra có tính toàn cầu rất lớn, vì nó thân thiện và tôn trọng con người… Nhiều người nhận xét nhà cộng đồng Suối Rè như một “đình làng hiện đại”, nó thực sự cần thiết cho nhiều vùng nông thôn ở ta… Xin cảm ơn những chia sẻ, động viên và chúng tôi dự kiến sẽ tiếp tục, không chỉ dừng lại ở công trình đầu tiên và duy nhất đó!

Kiến trúc là một nghề hái ra tiền, còn trong trường hợp này, các anh lại phải làm mạnh thường quân cho chính mình!

Chúng tôi được trả giá xứng đáng: đó là niềm hạnh phúc, vui sướng của người dân khi sử dụng công trình, họ yêu công trình đó. Hy vọng mô hình có ý nghĩa xã hội nhất định này có thể phổ biến, nhân rộng ra nhiều địa phương khác.

Có hay không một thông điệp xã hội từ thông điệp kiến trúc tre nứa lá xứ Mường đó?

Một thông điệp cần thiết: người Việt vốn có nhược điểm cơ bản là không đến nơi đến chốn, làm cái tăm, cái ốc vít… đều rất kém, còn gọi là “mộc mạc, nôm na”. Chúng tôi muốn tường đất, vì kèo tre, lá lợp… phải phát huy hết tác dụng của từng loại vật liệu. Bản sắc nhưng thiết thực. Dù là liệu cơm gắp mắm đi nữa nhưng hạng mục nào cũng làm đi làm lại cho kỳ ưng ý mới thôi. Có thể chúng tôi chủ quan, nhưng nói thật: nếu thiên tài nào chữa được căn bệnh thâm căn cố đế “làm không đến nơi đến chốn” của người Việt, chắc chắn nước mình sẽ khác, từ anh công nhân, cô giáo, anh kiến trúc sư đến các đại biểu Quốc hội…

Văn phòng kiến trúc 1+1 >2 của anh và các đồng nghiệp để trở thành “ngôi nhà sáng tạo”, có tồn tại triết lý hoà hợp nào không?

Có chứ. Chúng tôi có thế hệ sinh năm 1982 – 1983, hiện quản lý văn phòng theo quan niệm: không làm thuê, vì làm thuê khó tâm huyết, khó sáng tạo được. Do vậy, văn phòng không chỉ của một người mà của tất cả. Ai cũng gắn bó, chia sẻ. Tám năm nay như vậy. Tôi thì cảm thấy đó là cơ chế thích hợp với mô hình nhỏ của mình. Tuy nhiên, tất cả vẫn phải là một, độc lập, có vậy sự “hợp trội” 1+1>2 của hệ thống mới nảy sinh.

Phẩm chất đầu tiên của một kiến trúc sư, theo anh?

Kiến trúc sư không thể hành nghề độc lập như nhà văn hay hoạ sĩ. Họ phải sáng tạo trong khuôn khổ nhất định, trong sự độc lập tương đối để có được tác phẩm đích thực. Tất nhiên có nhiều cách khác nhau để tạo ra “sự độc lập”. Vấn đề là phải hết mình, phải cầu thị. Tài năng là trời cho, nhưng phẩm chất số một phải là sự kiên định. Và cơ hội phải do mình tạo ra.

[Quay lại]



Các tin liên quan

Xu hướng phối màu nội thất chào năm mới 2017 (phần 1)

6 kiến trúc tuyệt vời bảo vệ thành phố ven biển khỏi bão lũ

Ngắm những không gian nhà đẹp mang phong cách vintage quyến rũ

Kiến trúc sư Jean Nouvel

Những điều kiêng kỵ khi lợp mái nhà

Ngất ngây vẻ đẹp khu nghỉ dưỡng Việt được đề cử giải thưởng thành tựu thiết kế thế giới

Những xu hướng phối màu phòng ngủ ấn tượng nhất năm 2017

Richard Meier

8 mẹo phong thuỷ nhà ở giúp kiếm bộn tiền

Naman Spa / thiết kế: MIA Design Studio

Ông Obama lần đầu chia sẻ ảnh nơi ở trước khi rời Nhà Trắng

Antoni Gaudí

Những sai lầm không thể mắc khi bố trí phòng khách

7 thiết kế sáng tạo cho các thành phố nổi bền vững trong tương lai

Donald Trump ở trong những căn nhà như thế nào

Những lưu ý khi để đồ dưới gầm giường

Kiến trúc hiện đại trên nền đá cổ

Chiếu sáng mỹ thuật Cầu

Thực trạng kiến trúc bệnh viện ở Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế

Triển vọng về chiếu sáng LED và tiết kiệm năng lượng đông nam á - cơ hội cho thị trường VIỆT NAM