KTS Nguyễn Trường Lưu: Kiến trúc là một nghề khắc nghiệt

Từng xây bao nhiêu công trình nguy nga đồ sộ nhưng ở trong căn nhà cơi trên tầng thượng. Là phó chủ tịch thường trực hội Kiến trúc sư TP.HCM luôn có tiếng nói phản biện hữu ích và tận tâm với những vấn đề liên quan đến kiến trúc và đời sống dân sinh, nhưng cũng biết lui về im lặng để thưởng thức cuộc sống. Bởi với ông, kiến trúc cũng vô thường.

Anh đánh giá thế nào về tiếng nói nghề nghiệp của giới kiến trúc sư trong việc tạo dựng không gian đô thị?

Khi nói đến văn hoá, văn minh của một đô thị, đầu tiên người ta nhìn vào không gian của đô thị đó. Kiến trúc phơi bày rõ nhất văn hoá, xã hội, con người. Lâu nay chúng ta lo sợ nền kiến trúc của ta trong các đô thị thiếu bản sắc, lộn xộn, lai căng, góp nhặt… Thực ra, trong từng giai đoạn, chúng ta cũng có những công trình đẹp do kiến trúc sư Việt Nam thiết kế, nhưng khi đặt những công trình đẹp ấy cạnh nhau, người ta lại thấy… xấu. Cái thiếu lớn nhất của ta là không có bàn tay thiết kế đô thị. Chúng ta thường đi thẳng từ nhà quy hoạch đến kiến trúc đô thị, bỏ qua vai trò của người ở giữa, đó là thiết kế không gian đô thị, giống như thiếu hẳn vai trò của người nhạc trưởng chỉ huy dàn nhạc vậy, nên không có sự hài hoà giữa các công trình. Cũng may là chúng ta đã bắt đầu ý thức được điều này, và trường Kiến trúc đã có khoa Thiết kế không gian đô thị.

Một điều nữa liên quan đến sự sống còn của nền kiến trúc là thái độ hành nghề của kiến trúc sư chưa ổn. Thiết kế phí quá thấp, cách quản lý nhiều tầng nhiều lớp trong xây dựng cơ bản của Nhà nước quá phức tạp, kéo dài, gây ra nhiều tiêu cực. Kiến trúc sư chỉ dành 30% tâm huyết cho sáng tạo nghề nghiệp, còn 70% là lo thủ tục, đối phó, năng lượng uổng phí vô cùng, giá trị tác phẩm không được đầu tư đúng mức. Dễ thấy nhất là các công trình kiến trúc nhà nước, không ai chịu trách nhiệm đẹp xấu, đúng sai, kể cả chuyện không hợp lý, không sử dụng được… Kiến trúc sư phải đáp ứng đòi hỏi của rất nhiều ông này, bà kia, mỗi người một tí, làm mất hết bản sắc. Tư duy “đánh quả” đang phủ trùm nhiều lĩnh vực, không chỉ kiến trúc… Hơn lúc nào hết, chúng ta phải có luật kiến trúc sư, quản lý theo kiểu nghiệp đoàn, và người hành nghề kiến trúc phải sống được bằng nghề, mới mong có được sự chuyên nghiệp.

Ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, ngập nước đang là ba vấn nạn lớn của đô thị hiện nay, đã có rất nhiều sáng kiến này nọ đề ra để khắc phục nhưng không hiệu quả. Theo anh, đâu là giải pháp căn cơ?

Quản lý đô thị phải có tầm nhìn trước 100 năm, thậm chí 1.000 năm. Quy hoạch Sài Gòn do người Pháp để lại chỉ đáp ứng nhu cầu cao nhất khoảng 3 triệu người, khi dân số lên đến 10 triệu, kể cả khách vãng lai như hiện nay, làm sao chịu nổi, giống như người bị tật vậy đó. Đừng ngồi đó mà đổ lỗi cho ai, hãy vạch ra lộ trình khắc phục, ưu tiên giải quyết cái gì trước. Không thể sử dụng biện pháp đổi hình thức giao thông, phải trở lại giải bài toán cơ bản về tỷ lệ mỗi đầu người/m2 giao thông, công trình công cộng, không gian ở… Ưu tiên mở đường tạm, đường mới để giải toả ách tắc. Cách đây vài năm, có ý tưởng làm một con đường nổi trên rạch Thị Nghè rất hay, có thể phục vụ 20 năm, chi phí thấp hơn nhiều so với việc đền bù giải toả.

Khi những cao ốc văn phòng trên đường Đồng Khởi xây xong, lượng người giao thông trên địa bàn trung tâm còn tăng lên đáng kể. Khu trung tâm đã có quy hoạch cải tạo do nhà thầu Nhật Bản thiết kế, nhưng tôi có cảm nhận sau khi họ giao cho mình một sản phẩm tốt, mình lại phá đi, quản lý theo kiểu rất… cảm tính. Vẫn có những công trình “biến hoá” độ cao. Chính nhà đầu tư cũng không hình dung được nếu ách tắc giao thông, người thuê nhà sẽ không thuê nữa, công trình sẽ phá sản. Nhà đầu tư cũng phải có tầm nhìn như nhà quản lý, người quy hoạch, mới mong giữ được bức tranh đô thị.

Dù mặc áo vest, nhưng tâm hồn vẫn là người Việt thôi. Nhìn vào nội thất công trình thấy chất Việt còn đậm nét lắm. Bên cạnh toà nhà 68 tầng, vẫn còn tiệm hủ tíu bò viên tràn ngập không gian Việt đó thôi.

Anh có khó khăn nhiều không khi đối mặt với sự mâu thuẫn giữa nhà đầu tư, người thiết kế xây dựng, để tạo nên một tác phẩm kiến trúc tốt?

Hiếm hoi lắm mới có được sự đồng thuận giữa nhà đầu tư và kiến trúc sư, vì cái đẹp thường… tốn kém. Hai bên phải hợp nhau, nhờ cái duyên, sự may mắn nữa. Chúng ta phải chấp nhận thực tế là các công trình lớn đều do người nước ngoài đảm nhận, hãy bỏ qua bức xúc đó, để học hỏi từ họ khả năng sáng tác, khả năng làm việc mới hội nhập kịp, nếu không sẽ mất việc. Phải nỗ lực hơn trong điều kiện mới để có công việc tốt hơn, nếu không sẽ bị đào thải.

Việc mở rộng Hà Nội và sự di dân ào ạt về Sài Gòn theo anh có làm mất đi vẻ đẹp vốn có của hai thành phố này?

Bản sắc phụ thuộc vào văn hoá, con người đô thị. Chúng ta không thể cấm được di dân các miền về đây, vì đó là quyền công dân. Trước đây Hà Nội từng tự hào là lịch lãm, nhưng giờ còn xô bồ hơn Sài Gòn, cái tôi của người dân được thể hiện bằng ngôi nhà của họ. Bức xúc của tôi chính là việc hành nghề của kiến trúc sư, họ sẵn sàng tặc lưỡi cho qua, trở thành “hoạ viên” của các ông chủ, vẽ theo đó để kiếm sống bất cần nghề nghiệp, nên mới tràn ngập các kiểu nhà chóp củ hành, củ tỏi… Người ta đang nhân danh sự phát triển kinh tế xã hội để phá dần bản sắc. Ngược lại, đặc tính sẵn sàng hội nhập, không kỳ thị của người Sài Gòn đã mang lại cho văn hoá, ẩm thực sự phong phú, kiến trúc hài hoà hơn, không có sự quá trớn như Hà Nội… Nhìn xa hơn, tôi không lo chúng ta sẽ mất bản sắc. Dù mặc áo vest, nhưng tâm hồn vẫn là người Việt thôi. Nhìn vào nội thất công trình thấy chất Việt còn đậm nét lắm. Bên cạnh toà nhà 68 tầng, vẫn còn tiệm hủ tíu bò viên tràn ngập không gian Việt đó thôi.

Trong các tác phẩm kiến trúc của mình, anh coi trọng điều gì nhất?

Tính công năng, phải sử dụng không chỉ được, mà còn tốt, hơn cả hợp lý nữa. Tôi không cực đoan như trường phái công năng khi cho rằng nhà là cái máy để ở. Với tôi, ngôi nhà đẹp là một cái máy được thổi hồn vào, trước tiên phải hợp lý đã, nếu không cái đẹp sẽ vô ích.

Thần tượng của anh là ai? Anh chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi phong cách nào?

kst-nguyen-truong-luu

Người đầu tiên khiến tôi cảm thấy thích ngành kiến trúc là Frank Lloyd Wright, kiến trúc sư Mỹ, bậc thầy tiên phong trong phong cách kiến trúc hữu cơ (organic architecture) và tổ hợp đa dạng hình thể không gian ba chiều. Ông là người đầu tiên chủ trương đưa công trình vào thiên nhiên, đưa thiên nhiên vào công trình, là người đặt nền móng cho kiến trúc xanh, kiến trúc sinh thái. Công trình tiêu biểu nhất của ông là ngôi biệt thự trên dòng thác Bear Run, được xem là một trong những công trình xây dựng đẹp nhất mọi thời đại của kiến trúc Mỹ.

Anh có thể chia sẻ điều tâm huyết gì cho những người trẻ khi họ chọn con đường kiến trúc?

Nhiều người tưởng nghề kiến trúc sư giống như một ngành nghệ thuật, nhưng thực sự đây là một nghề khắc nghiệt.

Ngoài khả năng chuyên môn, kiến trúc sư phải có thêm những “kỹ năng mềm” nào, để có thể tạo dựng được những xu hướng sống cho khách hàng, và cho chính mình?

Kiến trúc là một nghề liên quan rất nhiều đến con người và xã hội, kiến trúc sư phải đọc rất nhiều sách văn học và sống trong xã hội, để cảm nhận về con người. Chính những trải nghiệm sống giúp tôi nhìn kiến trúc rộng hơn, hiểu nó cũng vô thường, cũng được sinh ra và mất đi, không vĩnh cửu như mình nghĩ. Mình tâm huyết với nó, nhưng nó không phải của mình, người ta có thể sử dụng hoặc đập bỏ đi.

Cuộc sống đầy áp lực có làm cho anh mất đi sự lãng mạn trong sáng tạo?

Áp lực cũng là một chất xúc tác. Nếu như không có áp lực có lẽ cũng không có sáng tạo.

Anh hay nhắc đến Osho, triết lý nào của nhà tư tưởng Ấn Độ này ảnh hưởng đến anh nhất?

Sự tự do.

Anh đã đạt được nó chưa? Có bao giờ anh đánh mất tự do để đổi lấy một điều gì?

Một phần nào thôi, bất cứ cái gì mình yêu quá, trở thành “nghiện” cũng đều không tốt, vì mình sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào nó. Trong công việc, trước đây tôi rất dễ nổi khùng khi cái mình cho là đúng là đẹp bị vùi dập, tôi bất chấp hết để bảo vệ tới cùng, nhưng giờ thì nhẹ nhàng hơn. Khi sáng tạo chỉ biết làm hết mình, không nghĩ để được một cái gì đó. Tất cả đều là năng lượng, bớt đi năng lượng tiêu cực chính là tạo ra nhiều hơn năng lượng tích cực. Cuộc sống đầy khắc nghiệt, cứ nghĩ nó vô thường là cảm thấy thoải mái. Với tôi, tự do là được làm điều mình thích, sống theo kiểu mình cho là hợp lý, không lệ thuộc vào những áp đặt, kể cả tôn giáo. Tôi thích “chủ nghĩa khoái lạc tinh thần” của Osho trong Zorba Phật. Ông mang trần tục và thiên đường đến gần nhau hơn, để cho thượng đế và thế giới của con người có thể cùng nhau, cho cơ thể và linh hồn là một bài ca được nhảy múa và hoà cùng nhau. Tôi cũng thích cuốn Thiền cho những người bận rộn của thầy Thích Nhất Hạnh. Với tôi, thiền không nhất thiết là phải ngồi tĩnh lặng. Khi chiêm nghiệm trong bất cứ công việc gì mình đang làm là thiền rồi.

Kiến trúc đã thay đổi hẳn con người anh?

Một phần thôi, phần nữa là nhờ những trải nghiệm sống. Phải sống với nó mới có cảm xúc thật. Tôi thích một câu của nhà thơ Lý Bạch: “Thuộc vạn câu thơ, hạ bút có thần”. Kiến trúc cũng vậy, không thể ngồi trên bàn giấy tưởng tượng. Một kiến trúc sư trẻ mới ra trường không thể thiết kế biệt thự cho người có tiền, vì họ đâu có hiểu giấc ngủ của người giàu có. Tôi thường nói với các em: “Phải thâm nhập cuộc sống của chủ nhân, sống thử vai chủ nhà, không thể vẽ theo cách hiểu của mình. Mình đang đói, đang nghèo, nên về nhà là ngủ vùi, còn người giàu giấc ngủ khó lắm. Phải thiết kế phòng ngủ làm sao để bước vào là người ta muốn ngủ liền… Thiết kế bảo tàng mà chưa một lần bước chân vào các bảo tàng thế giới thì làm sao thuyết phục được nhà đầu tư. Chính những trải nghiệm sống giúp tôi nhìn kiến trúc rộng hơn, hiểu nó cũng vô thường, cũng được sinh ra và mất đi, không vĩnh cửu như mình nghĩ. Mình tâm huyết với nó, nhưng nó không phải của mình, người ta có thể sử dụng hoặc đập bỏ đi. Nếu không hiểu được như thế thì khó sống lắm.

Điều gì làm anh dễ bị tổn thương nhất?

Tôi là người nóng tính, nhưng từ xưa đến giờ tôi luôn biết cách hoá giải mọi điều, để không có gì làm mình bị tổn thương.

Trong ứng xử với tình bạn, tình yêu, anh coi trọng điều gì nhất?

Sự chân thật.

Quan niệm sống nào giúp anh có thể trụ vững sau những đổ vỡ, để có thể giữ được bản lĩnh nghề nghiệp?

Thất bại thì nhiều, nhưng tôi không bị sốc. Mỗi lần nghĩ về thất bại, tôi cố gắng làm hết mình hơn ở lần thứ hai nếu được cơ hội. Với tôi, mọi vấn đề đều bình thường hết, tất cả đều có cách giải quyết. Còn nếu không giải quyết được có nghĩa là không có vấn đề gì hết.

Là người Hà Nội, nhưng dường như anh lại dành tình yêu nhiều hơn cho Sài Gòn?

Quê tôi ở Tiền Giang, nhưng tôi sinh ra ở Hà Nội. Sống khoảng mười năm ở Sài Gòn, tôi nói với gia đình nếu công việc ổn định tốt có thể tôi sẽ ra Hà Nội sống. Nhưng giờ đây, có gì đó khiến tôi không xa được Sài Gòn. Tôi đã quen với nhịp sống Sài Gòn, thậm chí đi đâu xa không nghe tiếng ồn cũng cảm giác bị mất một cái gì đó. Rồi bạn bè cũng tạo cho mình cảm giác thân thuộc. Dù muốn dù không, nơi đây đã cho tôi có ngày hôm nay, nên tôi biết ơn Sài Gòn.

Để gầy dựng một bản lĩnh sống cho con người của đô thị hôm nay, theo anh cần phải làm gì?

Tôi thích câu nói của Đức Phật, rằng con người đi trên sợi dây, một bên là sự tham lam, một bên là sự sợ hãi, phải cố gắng đi làm sao mà không té ngã.

Là người xây nhà chuyên nghiệp, vậy anh sống trong căn nhà như thế nào?

Một căn nhà trừ cái cổng có khoá, còn tất cả đều mở. Tôi sống rất lôi thôi, trong một căn nhà cơi lên từ sân thượng trên con đường có hai hàng cây dầu xanh mát, vẫn múc nước từ chiếc lu để tắm… Tôi có thể bỏ 500 USD để thuê một khách sạn năm sao, hưởng thụ những vật dụng, thiết bị cao cấp để từ đó thiết kế cho người khác, nhưng trong cuộc sống riêng, tôi thích sự tối giản, để không lệ thuộc vào một điều gì, dù tôi không thiếu khả năng về tài chính. Một căn nhà đẹp là một công trình mà những con người sống với nhau trong đó hoà thuận thương yêu nhau, điều đó sẽ lấp đầy hết tất cả những thiếu thốn về vật chất.

[Back]



Related news

Chiếu sáng còn là “kiến tạo những giấc mơ”

Cách để phòng ngủ ít đồ nhưng vẫn sang trọng

Kinh nghiệm làm việc cùng Kts Jean Francois Milou tại Singapore

Louis Comfort Tiffany

Frei Otto và tầm quan trọng của sự thử nghiệm trong kiến trúc

Những thiết kế đèn tuyệt đẹp

KTS. Võ Trọng Nghĩa đoạt giải thưởng thiết kế châu Á tại Hồng Kông

1% về kiến trúc sư Fumihiko Maki!

Kiến trúc sư Rafael Moneo – Cái tên “lạ” của một phong cách “quen”

21 quy tắc để thành công trong kiến trúc/Kevin J Singh

21 quy tắc để thành công trong kiến trúc/Kevin J Singh

Giới thiệu sách “Những kiến trúc sư bạn tôi”

KTS Nguyễn Hoàng Mạnh: “Làm như chơi, chơi như làm”

KTS Hoàng Thúc Hào: Kiến trúc phải mang lại lợi ích thiết thực

Tôi nghiên cứu kinh dịch khi bắt đầu một dự án

KTS Hoàng Thúc Hào thiết kế Trung tâm Hạnh phúc Quốc gia Bhutan

KTS Hoàng Thúc Hào - "Hiệp sĩ xanh"

KTS Joep Janssen: Chất lượng quan trọng hơn kiến trúc