World Expo 2010 hội tụ tinh hoa kiến trúc đô thị tương lai

World Expo 2010 sẽ được tổ chức từ ngày 1-5 kéo dài đến 31-10 (tức 184 ngày) tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc. Hiện đã có 192 quốc gia và hơn 50 tổ chức quốc tế chính thức đăng ký tham gia sự kiện này.

Lượng du khách đến tham quan dự kiến đạt mức kỷ lục là hơn 70 triệu người. 

Năm nay với chủ đề "Better City - Better Life" (Đô thị tốt đẹp hơn - Cuộc sống tốt đẹp hơn), lần đầu tiên World Expo thực hiện chủ đề về văn minh đô thị ở mọi khía cạnh. Đó là những kinh nghiệm phát triển đô thị, phổ biến những khái niệm mới về siêu đô thị, siêu khu vực, đồng thời cũng khám phá cách tiếp cận mới đối với thói quen, phong cách và điều kiện làm việc của con người trong thế kỷ mới, tạo nên một xã hội thân thiện với môi trường.
Rất nhiều gian nhà triển lãm (pavilion) được xây dựng để tham gia World Expo. Từng khối pavilion là từng câu chuyện được kể lại bằng những ngôn ngữ kiến trúc riêng biệt. 

Kế hoạch tổng thể của Expo Thượng Hải được thiết kế với cấu trúc năm tầng trải dài trong khuôn viên có tổng diện tích 5,28km2, dọc hai bên bờ sông Hoàng Phố. 
World Expo luôn được đánh giá là một trong những cuộc triển lãm lớn nhất thế giới về kinh tế, khoa học, công nghệ và trao đổi văn hóa, là sân chơi quan trọng để trình bày các kinh nghiệm lịch sử, trao đổi những ý tưởng sáng tạo hướng tới tương lai.

Dưới đây là một số pavilion nổi bật sẽ tham gia  World Expo Thượng Hải sắp tới: 

Pavilion Trung Quốc

Ý tưởng chủ đạo của pavilion Trung Quốc năm nay là “Oriental Crown” (Vương miện phương Đông). Với kiến trúc bằng gỗ theo kiểu truyền thống, một nền văn hóa lâu đời của người Trung Hoa được thiết kế như một tượng đài hùng vĩ, hào nhoáng, thể hiện khát vọng “đăng ngôi” của nước chủ nhà. Pavilion tọa lạc ngay tại vị trí trung tâm của hội chợ, cao 63m. Với chiều cao này, pavilion của Trung Quốc cao gấp ba lần so với tất cả các pavilion khác tham gia hội chợ. 
Tầng mái riêng biệt được cấu thành từ console (một chất liệu truyền thống có lịch sử hơn 2.000 năm), bên dưới là các gian hàng rộng 45.000m2 mô phỏng các tỉnh, thành phố, khu vực của Trung Quốc. (Ảnh 5)

Pavilion Nga

Thành phố cổ tích - Pavilion Nga

Đem đến Expo Thượng Hải lần này, nước Nga đã xây dựng nên một thế giới cổ tích thần tiên. Đó là pavilion trưng bày một thành phố tiện nghi mà con người có thể sống thoải mái qua lăng kính của trẻ em. Chiếm diện tích 6.000m2 gồm 12 tòa tháp cao 20m phủ sơn trắng, màu sắc từ trang phục truyền thống của phụ nữ Nga, với các họa tiết trang trí sắc trắng, đỏ, vàng; thị trấn cổ xưa Ural tồn tại từ 3.000 năm trước đã được tái hiện hết sức sinh động và ấn tượng.

Dù truyền thống là khái niệm cơ bản để hình thành ý tưởng, nhưng pavilion của Nga vẫn khiến du khách thưởng ngoạn được những đường nét của kiến trúc hiện đại thông qua hình khối không tuân theo bất kỳ quy tắc nào của các tòa tháp. Đó cũng chính là sự đa dạng các thành phố của Nga, cổ kính hòa quyện với hiện đại. 

Pavilion vương quốc Anh

 

 

Seed Cathedral - Pavilion vương quốc Anh

Bằng công trình Seed Cathedral (Cung điện hạt giống), Thomas Heatherwick đã đánh bại năm bản thiết kế khác để trở thành nhà thiết kế chính thức cho gian hàng Anh tại Expo Thượng Hải 1020. Công trình có chiều cao 20m được bao bọc bởi hơn 60.000 chiếc que bằng chất liệu acrylic mỏng và trong suốt, bên trong mỗi chiếc que chứa những hạt giống.

Nhìn từ xa, Seed Cathedral giống như chiếc hộp với hàng ngàn gai nhím đang xù lên. Ban ngày,  mỗi thanh acrylic sẽ hứng lấy ánh sáng mặt trời, cung cấp nguồn sáng cho cung điện hạt giống bên trong. Buổi tối, nguồn sáng trong các thanh sẽ tỏa sáng toàn bộ pavilion.

Thomas gọi thiết kế của mình là “hạt giống tâm hồn”. “Không có gì nhiều tiềm năng phát triển hơn là những hạt giống. Hạt giống là cội nguồn của mọi vấn đề” . Và mỗi chiếc gai là một hạt giống, với 60.000 chiếc gai trên công trình tham gia triển lãm lần này, liệu chúng ta có thể nhìn những siêu đô thị của nước Anh trong tương lai?

Bên trong pavilion được trang bị một màn hình kỹ thuật số khổng lồ, trình chiếu nhiều lĩnh vực về phát triển đô thị hiện đại. Mục đích của nhà thiết kế là muốn biến pavilion này thành một khu sinh thái bằng cách cố gắng tận dụng tối đa các nguyên vật liệu tái chế và cacbon trung tính. Chính điều này đã tạo một trải nghiệm hoàn toàn mới với cảm giác mềm mại cho quan khách khi chạm vào công trình.

Heatherwick hi vọng đem đến cho thế giới một hình ảnh mới về vương quốc Anh. Đó là đất nước của những con người với khiếu hài hước, nhạy cảm đằng sau vẻ ngoài xù xì, thô kệch. 

Pavilion Pháp

Sensual City (thành phố gợi cảm), tác phẩm của kiến trúc sư Jacques Ferrier - đại diện cho nước Pháp

Nước Pháp đã tiến cử kiến trúc sư Jacques Ferrier đến với World Expo 2010. Cùng dự án mang tên “Sensual City“ (thành phố gợi cảm), Jacques sẽ chinh phục du khách bằng một tòa nhà đơn giản gồm một khu vườn mang đậm phong cách lãng mạn Pháp bên trong. Bên ngoài được bao quanh bởi nước, trông pavilion của Pháp như đang trôi bềnh bồng trước mắt.

Gian hàng rộng 6.000m2, được thiết kế với các loại vật liệu xây dựng tiên tiến và công nghệ cao nhằm bảo vệ môi trường, như các tấm thu năng lượng mặt trời trên mái...

Pavilion Mexico

Rừng diều - Pavilion sặc sỡ sắc màu của Mexico

Một bản sắc truyền thống chưa từng được thể hiện ở các cuộc triển lãm trước đây, pavilion Mexico đem đến cho Expo lần này là một không gian ba chiều, thể hiện ba khía cạnh của cuộc sống đô thị đất nước Mexico. Quá khứ được kể lại bằng ngôn ngữ kiến trúc qua các họa tiết trang trí trên cột.

Hiện tại là phần được thể hiện qua lối vào. Hình ảnh tương lai được tìm thấy trên thiết kế sàn nhà của pavilion. Tất cả tạo nên một không gian xanh mà con người có thể tìm thấy cuộc sống hiện đại nhưng rất thân thiện với môi trường.

Thiết kế đầy màu sắc của Mexico còn lấy ý tưởng từ hình ảnh của “papalote”, vừa có nghĩa là bướm vừa có thể hiểu là cánh diều. Chơi diều là hoạt động được trẻ em trên khắp thế giới yêu thích. Gần 4.000m2 diện tích khuôn viên sẽ được phủ kín cỏ với 135 cánh diều bay lượn trên bầu trời.

Những con diều sặc sỡ được làm từ loại plastic thân thiện với môi trường khiến pavilion của Mexico trở thành khu vực màu sắc nhất Expo lần này. Đó cũng là những hình ảnh tượng trưng cho nền văn hóa đa dạng của Mexico. 

Pavilion Việt Nam

Phần nội thất với chất liệu tre truyền thống và có thể tái sử dụng

Pavilion Việt Nam do kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa đảm nhận việc thiết kế với chủ đề "1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”. Trên diện tích 1.000m2, pavilion của Việt Nam trông như một dòng sông với chất liệu tre bao quanh có tác dụng giảm sức nóng mặt trời, đồng thời có thể tái sử dụng sau khi chấm dứt triển lãm.

Thiết kế này làm nổi bật lên văn hóa Việt Nam. Du khách có dịp tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của đất nước chúng ta trong quá khứ cũng như sự phát triển đô thị song hành với ý thức bảo vệ môi trường ở hiện tại và tương lai.

Rất nhiều kiến trúc độc đáo khác được trình làng trong kỳ Expo 2010 năm nay. Tất cả đều góp phần làm nên một sự kiện lịch sử; một sự kiện gánh vác truyền thống và mở ra một kỷ nguyên mới cho tương lai.

[Back]



Related news

Kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và công nghệ sẽ trở thành xu hướng kiến trúc tất yếu

Mang kiến trúc cổ xưa vào căn bếp nhỏ

Kiến trúc độc đáo của làng cổ ở ngoại thành Hà Nội

Những căn phòng có “tầm nhìn” đẹp nhất trái đất

Cận cảnh 9 mẫu thiết kế kiến trúc sân bay Long Thành

Thiết kế ĐH Khoa học & Công nghệ Hà Nội mới

Bí quyết của kiến trúc “Thành phố nổi” Venice

Dreamworld: Phát triển mô hình kinh doanh mới – độc – lạ

Cận cảnh kiến trúc cửa hàng sách đẹp nhất thế giới

Trải nghiệm nhà sinh thái – kiến trúc xanh của tương lai

Nhà ống 45 m2 sáng tự nhiên dù ba mặt bịt kín

Cấu trúc tạm thời tham khảo tới kiến trúc nhà ở truyền thống

Ngôn ngữ tạo hình kiến trúc đương đại

Thiết kế thư viện công nghệ hiện đại nhằm đổi mới tư du

Những thành phố tương lai: đông hơn nhưng “xanh” hơn

Vì sao kiến trúc Nhật luôn chiếm ưu thế trên thế giới?

Nhà chọc trời bằng gỗ – xu hướng mới trong kiến trúc hiện đại

Ngôi nhà cổ điển cực lôi cuốn của ngôi sao chương trình truyền hình thực tế

Độc đáo với thiết kế cầu thang có một không hai

Khách sạn cạnh Hồ Gươm: “Kiến trúc không được đè nén cảnh quan”